Bình Thuận tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu năm
Căn cứ các quy định của pháp luật và đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định về việc giao kế hoạch đầu tư công và danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh năm 2024.
Theo đó, căn cứ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đã giao, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2024 theo quy định và tổ chức, triển khai.
Trong đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) báo cáo hội đồng nhân dân cùng cấp phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công phần vốn do cấp huyện phân bổ chi tiết bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên theo quy định; ưu tiên thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong giai đoạn 2021-2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2024, sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành.
Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024. Thực hiện phân công lãnh đạo phụ trách, chịu trách nhiệm theo dõi, lên kế hoạch triển khai chi tiết từng dự án, bám sát tiến độ thực hiện của từng nhiệm vụ, dự án để kịp thời chỉ đạo, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm, các dự án liên vùng, đường ven biển có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế -xã hội. Có giải pháp quyết liệt để thực hiện công tác chuẩn bị, phê duyệt dự ánđảm bảo chất lượng và tiến độ quy định.
Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án; kịp thời thay thế, điều chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
Tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu năm; nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả nguồn vốn đầu tư nhất là đối với đối với các dự án lớn, công trình trọng điểm của tỉnh, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2024 đảm bảo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ giao.
Định kỳ hàng tháng, quý và cả năm báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư ngân sách tỉnh năm 2024 về Ủy ban nhân dântỉnh(thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư).
Đồng thời, trong quá trình tổ chức thực hiện, phải quản lý chặt chẽ, không để phát sinh khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản trái với quy định của pháp luật, chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị và dự phòng quỹ đất tái định cư.
Kế hoạch giải ngân vốn năm 2023 còn chậm
Trước đó vào năm 2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là gần 4.868 tỷ đồng. Tính đến 31/1/2024 toàn tỉnh giải ngân được 4.079 tỷ đồng, đạt 84,29% so với kế hoạch vốn (bình quân chung cả nước đạt 82,47%). Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 10 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.
Riêng đối với 8 công trình trọng điểm của tỉnh (được xác định tại Nghị quyết 41/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND tỉnh), tổng kế hoạch vốn là 424 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến ngày 31/1/2024 là 228 tỷ đồng, đạt 53,79% kế hoạch.
UBND tỉnh Bình Thuận nhìn nhận, kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 vẫn còn hạn chế, chưa đạt kết quả giao của Thủ tướng Chính phủ (95% kế hoạch). Tiến độ thi công một số công trình chậm, nhiều dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ; các chủ đầu tư chậm hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ, trình phê duyệt dự án đầu tư.