Bình Thuận: Vì sao giải ngân vốn đầu tư công thấp?
Giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế. Tính đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bình Thuận vẫn thấp.
Ngày 27/3, tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa có báo cáo tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 gửi UBND tỉnh.
Theo Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là 5.084.104 triệu đồng; đã phân bổ 3.864.187 triệu đồng, số vốn còn lại chưa phân bổ 1.219.917 triệu đồng, chiếm 23,99% kế hoạch.
Giải ngân đạt 6,97% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giá trị giải ngân đến ngày 15/3/2024 là 354.210 triệu đồng, đạt 6,97% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 9,17% so với kế hoạch vốn đã phân bổ (giải ngân bình quân chung cả nước đến hết tháng 02/2024 đạt 8,7%); ước giải ngân đến hết quý I/2024 là 578.744 triệu đồng, đạt 11,38% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 14,98% so với kế hoạch vốn đã phân bổ.
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, đối với dự án do UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư đã giải ngân 74.859 triệu đồng/874.591 triệu đồng, đạt 8,56%.
Các dự án do các Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư giải ngân đạt 4,65% (84.137 triệu đồng/1.808.351 triệu đồng). Đối với các dự án do các Sở, ngành, đơn vị làm chủ đầu tư, tỉ lệ giải ngân chỉ mới đạt 3,06% (7.991 triệu đồng/261.150 triệu đồng).
Kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 vẫn còn hạn chế; tiến độ thi công một số công trình chậm, nhiều dự án chưa triển khai thi công ngay từ đầu năm; dự án còn vướng đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ; các chủ đầu tư chậm hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ, trình phê duyệt dự án đầu tư... dẫn đến kết quả giải ngân chỉ đạt 9,17% kế hoạch, phân bổ vốn chưa hết kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguyên nhân chủ yếu là chủ đầu tư chậm hoàn tất các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, để thanh toán dứt điểm cho dự án hoàn thành, tất toán công trình.
Một số Sở, ban, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa quyết liệt, chưa sâu sát để xử lý, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn.
Năng lực quản lý dự án một số chủ đầu tư còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện thi công công trình, giải ngân kế hoạch vốn. Đồng thời, một số nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế năng lực yếu.
Kiên quyết xử phạt các chủ đầu tư vi phạm
Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ông Phan Văn Đăng đã chủ trì buổi làm việc với các Sở, ban, ngành có liên quan để nghe báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong quý I; đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian đến.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Chính vì thế, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này. Thế nhưng, tính đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước.
Do đó, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong thời gian đến, hướng đến mục tiêu giải ngân đạt và vượt chỉ tiêu 95%.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án định kỳ hàng tháng, hàng quý.
Có báo cáo bằng văn bản định kỳ gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo dõi tiến độ, chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công được giao.
Đối với các dự án đã hoàn thành, phải nhanh chóng thực hiện quyết toán vốn đầu tư hoàn thành để thanh toán dứt điểm. Nếu các công trình đã thực hiện xong nhưng chậm trễ, chây ì thực hiện quyết toán, cơ quan chức năng kiên quyết áp dụng các chế tài xử phạt đã được hướng dẫn tại các văn bản pháp lý hiện hành đối với các chủ đầu tư vi phạm.
Liên quan đến vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu rõ, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ tham mưu Tỉnh ủy để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trước mắt, các chủ đầu tư cần phải làm việc trực tiếp với đơn vị phụ trách công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương để cùng nhau xây dựng kế hoạch, phương án giải phóng mặt bằng cụ thể.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu tiến độ chậm, nảy sinh tình trạng phức tạp phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo tháo gỡ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị hồ sơ đầu tư dự phòng đối với các dự án trọng điểm của tỉnh; phối hợp với các sở, ngành có liên quan định kỳ thực hiện kiểm tra tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh hình thức khen thưởng đối với các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, cũng như hình thức xử phạt, kỷ luật đối với các chủ đầu tư chậm trễ trong công tác này.