Bình Thuận 'vươn mình' từ biển, là điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng thế giới
Với 192km chiều dài bờ biển, Bình Thuận đã biến bất lợi về nắng, gió thành thương hiệu của riêng 'biển xanh-cát trắng-nắng vàng' thu hút nhiều khách du lịch.
Qua 27 năm phát triển và hội nhập, ngành du lịch Bình Thuận đã khẳng định thương hiệu và tiếp tục đà tăng trưởng; không chỉ là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam mà còn trở thành điểm nghỉ dưỡng biển nổi tiếng thế giới.
Với 192km chiều dài bờ biển, Bình Thuận đã biến bất lợi về nắng, gió thành thương hiệu của riêng “biển xanh-cát trắng-nắng vàng” thu hút nhiều khách du lịch.
Khai thác hiệu quả thế mạnh
Năm 1995, ngành du lịch tỉnh bước vào xây dựng với sự kiện Nhật thực toàn phần vào ngày 24/10; thu hút hàng trăm ngàn người từ khắp nơi đổ về Mũi Né-Phan Thiết-Bình Thuận để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên. Từ đó, nguồn tài nguyên du lịch tỉnh được “đánh thức” và vươn lên đầy ấn tượng.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết ngành du lịch tỉnh đã nỗ lực trong thời gian dài xây dựng một thương hiệu du lịch biển gắn với việc tổ chức các sự kiện quốc tế mang đặc trưng riêng.
Điển hình như Hoa hậu trái đất năm 2010, Giải lướt Ván buồm Cúp thế giới PWA Mũi Né-Việt Nam, lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế Việt Nam lần thứ I - Bình Thuận năm 2012 tại Hàm Tiến-Mũi Né, Vòng chung kết Hoa hậu Đại Dương năm 2014…
Đây là các sự kiện diễn ra thành công, tạo được hiệu ứng cao trong việc giới thiệu, quảng bá sâu, rộng hình ảnh du lịch Bình Thuận đến du khách.
Qua chặng đường xây dựng và phát triển trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, du lịch Bình Thuận đã đạt được những thành tựu đột phá và có sự phát triển liên tục với những chuyển biến mạnh mẽ. Hiệu quả đầu tư cùng với môi trường đầu tư thông thoáng đã thu hút mạnh các nhà đầu tư kinh doanh du lịch đến địa phương.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 382 dự án đầu tư du lịch (trong đó có 188 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh) với tổng vốn đăng ký 70.000 tỷ đồng, tổng diện ích đất là 6.300ha.
Trên địa bàn có 600 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với 17.500 phòng. Ngoài ra còn có 550 căn hộ và 315 biệt thự cho thuê, đảm bảo phục vụ đa dạng các dòng du khách vào cùng một thời điểm.
Địa phương hiện có khoảng 25.000 lao động trong ngành du lịch; trong đó có khoảng 70% lao động đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực này.
Lượng khách đến Bình Thuận tham quan nghỉ dưỡng năm 2019 đạt 6,4 triệu lượt khách (tăng hơn 500 lần so với năm 1995); trong đó khách quốc tế là 774.000 lượt khách (gấp 80 lần so với năm 1995).
Doanh thu từ du lịch tăng trưởng khá cao: năm 2019 đạt 15.200 tỷ đồng, gấp 2.500 lần so với năm 1995… Thời gian lưu trú của khách ngày càng dài hơn, tỷ lệ du khách quay trở lại cao hơn.
Sau hai năm du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, từ đầu năm 2022, du lịch Bình Thuận đã khởi sắc trở lại với những tín hiệu đáng mừng. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 9 tháng của năm 2022, toàn tỉnh đón khoảng 3,9 triệu lượt khách, đạt 89,25% so với kết hoạch năm (tăng 2,27 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó khách quốc tế là 51.500 lượt khách, đạt 24,52% so với kế hoạch năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 9.200 tỷ đồng, đạt 86,79% so với kế hoạch năm.
Tận dụng thế mạnh bờ biển dài với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hiện Bình Thuận đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam; Mũi Né trở thành một trong 6 Khu du lịch quốc gia của cả nước.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, với sự nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền các cấp, trong 27 năm qua, tỉnh đã có nhiều sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch đến địa phương. Việc Chính phủ chính thức quy hoạch Mũi Né là Khu du lịch quốc gia chính là một thành tựu tổng thể.
Theo đánh giá của các công ty lữ hành du lịch, không nhiều tỉnh, thành phố có bờ biển dài và đẹp như ở Bình Thuận (có 7/10 huyện, thị xã, thành phố có bãi biển). Bên cạnh đó, các điểm du lịch nổi tiếng ven biển hầu như phân bố đều tại các địa phương như Mũi Né- Hòn Rơm (thành phố Phan Thiết), biển Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam), bãi đá 7 màu ven biển được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Bãi đá có hình dạng và màu sắc nhiều nhất Việt Nam” (huyện Tuy Phong)… Đây chính là những điểm đến hấp dẫn cùng nhiều sản phẩm du lịch gắn liền với biển được du khách lựa chọn.
Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: Bình Thuận hiện đã trở thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan, du lịch kết hợp chơi thể thao biển, du lịch tín ngưỡng, biển đảo… Du lịch phát triển đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương. GRDP du lịch năm 2018 đạt 9,44%; năm 2019 đạt 9,97%....
Du lịch phát triển đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn.
Mũi Né sẽ là điểm đến hàng đầu khu vực
Để tiếp tục đưa du lịch Bình Thuận phát triển trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Địa phương phấn đấu đến năm 2025, ngành du lịch đón 8,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế từ 10-12%; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 18-20%/năm. Du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10-11%.
Giai đoạn đến năm 2030 đón 16 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 từ 20-22%/năm; du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 12-13%.
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết từ năm 1995 đến nay, tỉnh đã ban hành 5 nghị quyết về phát triển du lịch. Điều này cho thấy, du lịch là một trong những ngành có vị trí vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đồng thời, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cũng đã xác định du lịch là một trong ba trụ cột của ngành kinh tế tỉnh. Vì vậy, đối với du lịch trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm nhằm nâng cao sức hấp dẫn, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với những lợi thế về cảnh quan, khí hậu, thương hiệu đã tạo dựng, tỉnh sẽ xây dựng Khu du lịch Mũi Né trở thành khu du dịch quốc gia, có đẳng cấp thu hút du khách trong nước và quốc tế, làm hạt nhân lan tỏa cho du lịch của địa phương.
Bình Thuận hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và thúc đẩy du lịch vươn lên xứng tầm. Đó là tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông (đoạn qua địa bàn tỉnh), Cảng hàng không Phan Thiết sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, điểm "nghẽn" về chồng lấn quy hoạch khai thác titan với quy hoạch du lịch cũng được tháo gỡ…
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết để phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn tới, bên cạnh những giải pháp về phát triển đa dạng các loại hình du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn thân thiện…, việc hợp tác, liên kết du lịch là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh quan tâm.
Bình Thuận tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch Bình Thuận-Thành phố Hồ Chí Minh-Lâm Đồng. Đồng thời, chủ động tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ nhằm nối tour khách quốc tế đến Bình Thuận từ những trung tâm này. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên hệ thống truyền thông, mạng xã hội, công nghệ số, nhất là các kênh truyền thông uy tín trong nước và quốc tế.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh thường xuyên tổ chức đón các đoàn khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch mới, vận dụng các trang mạng xã hội có sức lan truyền mạnh để quảng bá thương hiệu, giới thiệu điểm đến du lịch Bình Thuận./.