Bình tĩnh đi qua mùa dịch
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài gây nên tâm lý lo lắng, bất ổn trong toàn xã hội. Hơn lúc nào hết, thái độ bình tĩnh, hợp tác cùng giải quyết vấn đề chính là điều quan trọng để mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn, khó khăn cũng sẽ dễ vượt qua hơn.
Một người đàn ông tại một khu biệt thự cao cấp ở thành phố Hồ Chí Minh đạp đổ bàn mà đội ngũ y tế lập nên để xét nghiệm Covid-19 cho người dân. “Tôi không cần biết, làm sao có thể bình tĩnh được”. Lý do người đàn ông này la hét và có hành vi quá khích chỉ vì lo sợ việc lập chốt y tế ngay trước cửa nhà có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm nếu có người mắc bệnh. Hay chuyện một người đàn ông ở Cần Thơ khi vợ bị phạt vì ra đường lý do không chính đáng, đã đến xé biên bản ngay trước mặt tổ tuần tra Covid-19 chỉ vì ấm ức “đồ ăn uống không có, bây giờ đi lại cũng không có…”
Ở một diễn biến khác là sự việc 2 dân phòng ở phường 3, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh lao vào đánh lái xe grab chỉ vì hai bên tranh cãi việc phải đỗ xe đúng nơi quy định khi họ đang làm nhiệm vụ chống dịch. Phân trần cho hành vi quá khích của mình, anh này nói rằng do phải làm việc nhiều ngày cộng thêm sự ức chế do yêu cầu mà tài xế không hợp tác. Hay sự việc xẩy ra ở CDC Hải Dương khi một người cán bộ ở đây đã không thể giữ nổi bình tĩnh trước hành động của người dân khi thực hiện chức trách của mình...
Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện to tiếng, cãi lộn, xô xát đã, đang và vẫn có thể xảy ra đâu đó ở các địa phương. Dịch Covid-19 ảnh hưởng và làm đảo lộn mọi thứ, tất nhiên, cuộc sống hàng ngày không thể được tự do, thoải mái như trước, trong đó, chỉ riêng chuyện đi lại đã là cả một vấn đề. Thực hiện quy định giãn cách, trường hợp nào thì người dân được ra khỏi nhà, shipper được phép hoạt động, lái xe phải có đầy đủ những giấy tờ gì mới được lưu thông…đã nảy sinh biết bao điều dở khóc dở cười. Nhiều người phải xin lỗi, có người bị cách chức, không ít trường hợp người thực thi nhiệm vụ bị người dân phản ứng tiêu cực có hành vi nhục mạ, gây thương tích…
Thực tế này cho thấy, dịch bệnh kéo dài, diễn biến ngày càng phức tạp, nguy hiểm khiến người ta mệt mỏi, ức chế mà dễ cáu giận, kể cả người dân lẫn những người đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng chống Covid. Nếu chỉ nghĩ đến những bực dọc cá nhân thì rất dễ từ chuyện nhỏ thành chuyện lớn, nhất là khi sự việc có thể bị phóng đại qua tâm lý mất bình tĩnh.
Rõ ràng, dịch bệnh khiến chúng ta phải sống chậm, thì suy nghĩ cũng nên chậm lại, lùi lại một chút để nhìn rộng ra, ngẫm sâu hơn thì sẽ dễ chấp nhận, biết bỏ qua cái “tôi” mà hợp tác, đồng lòng chống dịch.
Bởi, nếu còn nghĩ đến cái “tôi” mà chưa nghĩ đến cái “ta” đang lao đao vì làn sóng dịch thứ 4 với biến chủng nguy hiểm thì ngay cả chuyện nhỏ như “nhịn” tập thể dục ngoài trời cũng không thể thực hiện được. Thế mới có chuyện nửa cười nửa mếu, hàng trăm người “lách luật” đi tập thể dục trên đường phố Hà Nội lúc nửa đêm, rạng sáng để trốn công an tuýt còi, xử phạt.
Bởi, nếu còn nghĩ đến cái “tôi” thì vẫn tiếp diễn hiện tượng người dân đổ ra đường dù thành phố ra Chỉ thị áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16, để chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đi thị sát thành phố Hồ Chí Minh đã phải thốt lên “Giãn cách như vậy thì làm sao chống dịch?”
Nhiều người ở tuyến đầu chống dịch như đội ngũ y bác sỹ hay lực lượng công an đang phải ngày đêm canh trực, họ phải chịu thiệt thòi, vất vả, nguy hiểm nhưng rất hiểu và thông cảm với bức bối của người dân. Nhưng như BS CK I Tống Hồ Tứ Phương ở bệnh viện Nhi đồng thành phố HCM chia sẻ: “Thay vì khó chịu và biểu hiện tiêu cực ra bên ngoài, chúng ta hãy chấp nhận rằng dịch Covid-19 đang hủy hoại, bào mòn sức lực của rất nhiều người, để lại những tổn thất to lớn về kinh tế, đời sống xã hội không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới…Quan trọng nhất là mọi người cần giữ tinh thần lạc quan, tránh tối đa stress, chỉ có như vậy mới vượt qua được dịch bệnh”. Và như một câu danh ngôn đã nói: “Cảm xúc tốt sẽ đem lại nguồn năng lượng tích cực, sẽ đem lại cho con người ta sức khỏe để làm được những việc lớn lao”.
Vâng, nghĩ đến cái “ta”, nghĩ đến khó khăn chung và nghĩ về mục tiêu chúng ta phải thực hiện, hẳn mỗi người sẽ biết kiềm chế mà nghiêm túc chấp hành các quy định, dù có thể, đôi lúc, do dịch bệnh căng thẳng, diễn biến bất ngờ mà đôi khi, chỗ này chỗ kia, quy định này, quy định khác có hơi cứng nhắc. Bình tĩnh để đi qua đại dịch./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/blog/binh-tinh-di-qua-mua-dich-877349.vov