Bình yên làng cổ Phước Tích

Phước Tích được coi là một trong 3 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam. Chỉ cần bước chậm qua cổng làng là đã cảm nhận được sự yên bình, xanh mát. Ở ngôi làng hơn 500 năm tuổi, người làng Phước Tích chỉ duy nhất gắn bó với một nghề cho đến tận bây giờ…

Làng cổ Phước Tích nhìn từ trên cao. Ảnh: Vi Thảo.

Làng cổ Phước Tích nhìn từ trên cao. Ảnh: Vi Thảo.

Những người giữ “hồn cốt” của làng

Phước Tích xưa còn có tên gọi là Phúc Giang, Hoàng Giang, còn tên gọi Phước Tích được đổi từ thời vua Gia Long nhà Nguyễn, với mong muốn tích lũy phúc đức cho con cháu mãi mãi đời sau. Đây cũng là ngôi làng cổ thứ 2 (sau làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) được nhà nước công nhận, cấp bằng Di tích quốc gia.

Ông Lê Trọng Diễn (75 tuổi) kể lại, làng Phước Tích được khai canh, thành lập từ năm 1470, dưới thời Hồng Đức. Chính vua Gia Long đã đặt tên cho làng là Phước Tích. “Dù nằm trong vùng đồng bằng và bên cạnh dòng sông Ô Lâu nhưng khác với các khu dân cư lân cận, người dân Phước Tích không làm ruộng. Thay vào đó, trong suốt hơn 550 năm nay, trải qua bao rêu phong thời gian, làng cổ Phước Tích vẫn gắn bó thủy chung với nghề làm gốm.

Gốm cùng với hệ thống nhà rường là niềm tự hào của người dân làng Phước Tích. Nói về gốm thì phải kể đến om (hay còn gọi là niêu), từng là đồ tiến vua. Bởi vậy mới có câu rằng: “Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế/Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân”. Ngày xưa, những chiếc om này được gọi một cách trang trọng, mỹ miều là “Ngọc oa ngự dụng” hoặc “Om ngự”, hàm ý chỉ đồ dùng của vua.

Để xứng đáng là đồ tiến vua, những chiếc “Om ngự” phải được làm ra hết sức công phu. Trong đó, việc lựa chọn đất sét, nghệ nhân làm, người đốt lò nung cho đến kích thước, số lượng đều được thực hiện một cách nghiêm ngặt, tỉ mỉ. Ông Diễn kể: “Vua ban lệnh làm 100 cái thì phải làm đúng đủ 100 cái, cái nào cũng phải đẹp vẹn tròn. Mỗi “Om ngự” phải loại bỏ được tạp chất, mùi đất, màu sắc bắt mắt, gõ vào có âm thanh trong trẻo và kích thước đều nhau, đủ nấu một bữa cơm cho vua”.

Không chỉ “Om ngự”, từ thế kỷ XIV đến những năm đầu đầu thế kỷ XX, các sản phẩm gốm do người dân Phước Tích làm ra như: lu (chum), bùng binh (ống tiết kiệm), tu huýt (còi) và cả tượng ông Táo… cũng nức tiếng xa gần. Trong thời kỳ hoàng kim này, làng Phước Tích có 13 lò nung gốm và lúc nào cũng trong tình trạng đỏ lửa. Ông Diễn nhớ lại: “Mỗi một phiên nung kéo dài khoảng 10 ngày. Phiên này ra, phiên khác lại sắp vào nung tiếp”.

Có một điều rất thú vị là người dân Phước Tích không chỉ làm gốm giỏi mà còn khéo léo, đảm đang trong khâu tiêu thụ, trao đổi sản phẩm. Họ không bán các sản phẩm gốm lấy tiền mà thường đổi lấy hàng hóa khác. Số hàng hóa này sau khi trừ lại một phần để sử dụng, tiếp tục được mang ra chợ để bán, tăng thêm thu nhập.

Trải qua bao thăng trầm thời gian, cuộc sống đổi thay nên nghề gốm giờ không còn rộn ràng như ngày xưa. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân nên đầu những năm 2000, lò nung gốm mới bắt đầu đỏ lửa trở lại và ngày càng gắn bó hơn với người làng.

Ông Lê Trọng Diễn kể về những thăng trầm của nghề làm gốm tại làng cổ Phước Tích. Ảnh: Nghĩa Văn.

Ông Lê Trọng Diễn kể về những thăng trầm của nghề làm gốm tại làng cổ Phước Tích. Ảnh: Nghĩa Văn.

Phước Tích không chỉ có gốm...

Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích Nguyễn Ngọc Nam giới thiệu với chúng tôi rằng, tại làng cổ Phước Tích có tất cả 26 ngôi nhà rường cổ trên 100 năm tuổi. Trong đó, có 18 ngôi nhà theo loại hình 3 gian 2 chái, 4 ngôi nhà theo loại hình 3 gian và 4 ngôi nhà theo loại hình 1 gian 2 chái. Tất cả các ngôi nhà rường này đều được chạm khắc những họa tiết hoa văn cực kỳ tinh xảo.

“Để làm một ngôi nhà rường cổ như thế này phải mất 3 - 5 năm mới hoàn thành. Nhìn vào sự bề thế và kiến trúc của mỗi ngôi nhà mới thấy trước kia, Phước Tích rất trù phú. Sự giàu có này chính là từ sự hưng thịnh của nghề gốm và tài khéo léo buôn bán của người dân trong vùng” - ông Nam chia sẻ.

Nói thêm về kiến trúc của các ngôi nhà rường, ông Diễn cho hay, phía trước mỗi ngôi nhà đều được xây một tấm bình phong. Việc xây bình phong là để ngăn không cho các luồng gió thổi trực diện vào nhà, tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của gia chủ và các thành viên. Tấm bình phong cũng khiến mỗi khi đi từ trong nhà ra phải di chuyển theo một đường chéo, tránh việc quay lưng trực tiếp vào chính giữa căn nhà. 2 chái của nhà rường được chia thành Đông phòng (bên phải của căn nhà, từ ngoài vào) và Tây phòng (phía ngược lại). Thời xưa, những người phụ nữ chỉ được sinh hoạt ở phía Đông phòng.

“Ngoài gốm, nhà rường, Phước Tích còn có những hàng chè tàu, hàng cau thẳng tắp, xanh mướt, có dòng sông Ô Lâu bao quanh… tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của ngôi làng quê Việt cổ kính. Người dân ở đây cũng rất hồn hậu và hiếu khách. Họ vẫn giữ được nếp xưa trong ứng xử cuộc sống hàng ngày, trân trọng các di sản cha ông để lại. Đây chính là nguồn tài nguyên vô cùng quý báu trong công tác bảo tồn và phát triển du lịch” - ông Nam kể.

Với những lợi thế phong cảnh yên bình, xanh mát cùng nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, cuộc sống chậm rãi, yên bình... làng cổ Phước Tích ngày nay đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, các ngành chức năng, sự nỗ lực của người dân, thời gian qua Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển du lịch tại làng. Người dân làm du lịch vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ được sự cổ kính và màu xanh yên bình của ngôi làng.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết, trong làng hiện có hệ thống các công trình tôn giáo tín ngưỡng bao gồm: đình làng, chùa Phước Bửu, các ngôi miếu (miếu Cây Thị, miếu Quảng Tế, miếu Đôi, miếu bà Liễu Hạnh, miếu Văn Thánh) và các nhà thờ họ, phái… Rất nhiều công trình trong số này còn lưu giữ được những nét cổ kính, rêu phong màu thời gian.

Nghĩa Văn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/binh-yen-lang-co-phuoc-tich-10292063.html