Mặc cho phố xá ồn ào, tấp nập, mọi sinh hoạt của ngư dân nơi đây vẫn diễn ra bình thường, lặng lẽ. Từ bao đời nay, với họ, ra khơi là một phần không thể thiếu ngay cả khi Sầm Sơn sầm uất nhất.
Khi mặt trời đổ ánh vàng, cũng là lúc những con thuyền nhỏ bắt đầu cưỡi sóng vào bờ.
Trên bờ biển, những người phụ nữ đã có mặt từ rất sớm. Họ là mẹ, là vợ, là con của các chủ thuyền, cũng có khi là những tiểu thương đến để lấy hàng đi chợ bán… Tiếng người cười nói rộn ràng cả một góc biển.
Nghề biển nơi đây còn giữ nhiều nét hoang sơ, ngư dân không dùng tàu to, không thiết bị hiện đại, tất cả chỉ nhờ vào kinh nghiệm. Họ đánh bắt trong khu vực khoảng 10 hải lý trở vào.
Trung bình mỗi chiếc thuyền ra khơi chỉ có 1 thuyền viên, vừa là người điều khiển thuyền, thả lưới, thu lưới và ứng phó với tình huống bất thường trên biển.
Những người đàn ông vùng biển da rám nắng vẫn ngày ngày đối mặt với đầu sóng, ngọn gió. Họ chẳng bao giờ có một ngày nghỉ cố định.
Gần 50 năm gắn bó với nghề, ông Cao Sỹ Bảo (62 tuổi), phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn cho biết: Ngoài những ngày mưa bão, đêm nào cũng vậy, khoảng 2-3h sáng, các ngư dân ở đây lại dong thuyền nhỏ ra biển đánh bắt hải sản, đến 8-9h sáng họ trở về bờ cùng với thành quả của mình.
Sau khi đưa thuyền vào bờ, hải sản được các ngư dân gỡ lưới và phân loại.
Mùa nào thức đó, có thể là cá, bề bề hay sứa, tôm, mực… tất cả đều là món quà mà thiên nhiên ban tặng.
Không chỉ được hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, về với Sầm Sơn, du khách còn được thưởng thức những sản vật tươi sống của biển ngay sau khi người dân gỡ ra khỏi lưới.
Cảnh sắc kỳ thú, non nước hữu tình còn khiến du khách đến Sầm Sơn như được trút bỏ hết mọi mệt mỏi, ưu tư căng thẳng sau những ngày làm việc vất vả.
Trên mỗi chiếc thuyền, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió như đang khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!
Hoài Thu – Hoàng Đông