Bình yên sông nước Đồng Tháp Mười
Đồng Tháp Mười (ĐTM) vốn nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng cùng hệ sinh thái đa dạng, đặc biệt là vào mùa nước nổi. Những năm gần đây, người dân ĐTM có thêm nguồn thu nhập từ việc giới thiệu nét đẹp quê mình đến bạn bè trong và ngoài nước.
Mặc dù đã cuối mùa nước nổi nhưng những đoàn khách chụp ảnh vẫn còn đổ về ĐTM. Trung bình 2 lần mỗi tuần, chị Lê Thị Minh Em (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) lại cùng một số chị em hàng xóm làm mẫu ảnh hoặc hái bông súng bán cho du khách chụp ảnh.
Việc làm mẫu ảnh đem lại nguồn thu nhập nho nhỏ cho phụ nữ nông thôn vùng Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi
Bông súng vốn là loài hoa đặc trưng của ĐTM vào mùa nước nổi. Hoa mọc trên các cánh đồng, kênh, rạch khi nước lũ về, được dùng làm món ăn và bán khá phổ biến. Khoảng 5 năm trở lại đây, bông súng trở thành đạo cụ cho các đoàn du khách chụp ảnh.
Chị Minh Em kể: “Du khách đến đây chụp ảnh thường chia thành 2 nhóm, nhóm các nhiếp ảnh gia thuê chúng tôi hái bông súng, chất đầy lên xuồng và mặc áo bà ba làm mẫu ảnh trên những chiếc xuồng hoa. Với các đoàn khách như vậy, chúng tôi vừa bán được hoa súng, vừa có thù lao từ việc hỗ trợ làm mẫu ảnh. Nhóm khách thứ 2 đến để được chụp ảnh cùng bông súng. Khi đó, công việc của chúng tôi là chuẩn bị xuồng bông súng cho khách”.
Công việc của chị Minh Em và các phụ nữ nông thôn khác bắt đầu khá tình cờ, ban đầu chỉ là hướng dẫn và giúp những người khách lãng du đi săn ảnh. Dần dà, với sự nhiệt tình và hiếu khách, ngày càng nhiều các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước tìm đến vùng quê nhỏ củachị Minh Em, mang đến công việc cho chị và các phụ nữ nông thôn khác trong mùa nước nổi, nông nhàn.
Tham gia trong một chuyến sáng tác tại vùng ĐTM của tỉnh, nhiếp ảnh gia Bùi Hồng Phúc (Chi hội phó Chi hội Nhiếp ảnh Tao Đàn, TP.HCM) chia sẻ, dù đã đi khắp Việt Nam và cảm nhận được nét đẹp của dải đất hình chữ S nhưng ông vẫn bị thu hút bởi sự bình dị, nên thơ và hiếu khách của vùng ĐTM, Long An. Đây là lần thứ 2 ông trở lại ĐTM. Những cánh đồng mênh mông nước và các loài hoa dân dã: Bông súng, nhĩ cán vàng, lục bình,... luôn có sự thu hút đặc biệt đối với ông. Bên cạnh đó, sự thân thiện, hiền hòa và nhiệt tình của người dân cũng là điều “níu chân” ông trở lại. “Những người đam mê nhiếp ảnh như tôi đến vùng đất này trước hết là để sáng tác, có được những tác phẩm riêng cho mình và ngắm, trải nghiệm không gian của vùng quê yên bình. Có không ít tác phẩm sáng tác tại ĐTM đoạt giải cao trong các cuộc thi nhiếp ảnh khu vực, toàn quốc và quốc tế. Điều đó góp phần giới thiệu đến bạn bè khắp nơi về nét đẹp của ĐTM” - ông Hồng Phúc nói.
Cũng vì say mê nét đẹp “vựa lúa” ĐTM, chị Trần Thị Ngọc Hà (huyện Bến Lức) trở lại ĐTM lần thứ 2 để có những bộ ảnh lung linh cùng khung cảnh miền quê. Chị Hà chia sẻ: “Lần trước đến đây, tôi “thả dáng” bên những cánh đồng lúa chín vàng, lần này là đồng bông súng mênh mông. Ngồi trên xuồng đầy ắp bông súng, giữa đồng nước là một trải nghiệm đặc biệt tôi chưa thử bao giờ. Tôi rất thích những chuyến đi của mình. Sự thân thiện, nhiệt tình, chu đáo của người dân mang đến cho tôi niềm vui trong suốt chuyến hành trình và rất nhiều ảnh đẹp sau chuyến đi”.
Không chỉ có bông súng, ĐTM còn có nhiều cảnh sắc nên thơ với những đồng nước mênh mông dưới ánh hoàng hôn, những cung đường ngập đầy sắc hoa ô môi rực rỡ,... Tất cả góp phần tạo nên một bức tranh ĐTM bình yên, dung dị và đẹp đến bất ngờ. Và với sự chân quê vốn có, những nông dân vùng sông nước hỗ trợ khách đến thăm bằng sự hồn nhiên, chân thật. Tất cả những điều đó tạo nên một góc Đồng Tháp Mười đáng nhớ, dễ thương không chỉ qua những bức ảnh lung linh mà trong cả kỷ niệm của người từng ghé đến.
TK
(Theo baolongan.vn)
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhin-ra-tinh-ban/binh-yen-song-nuoc-dong-thap-muoi/207044.htm