BIS: Các cơ quan phải tăng cường giám sát để ngăn chặn sự sụp đổ của ngân hàng trong tương lai

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, các cơ quan giám sát tài chính phải tăng đáng kể ngân sách sau các cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây vì việc giám sát chặt chẽ hơn hàng ngày là rất quan trọng để ngăn chặn thất bại.

Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang cân nhắc những thay đổi về quy tắc để bảo vệ ngân hàng tốt hơn khỏi những rủi ro như thay đổi lãi suất và biến động tiền gửi tăng nhanh, đây là hai yếu tố gây ra làn sóng sụp đổ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Trong số những thất bại nổi tiếng nhất, Silicon Valley Bank (SVB) đã bị Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đóng cửa vào đầu tháng 3, trong khi Credit Suisse bị buộc phải bán cho UBS một tuần sau đó.

Agustín Carstens, người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và là chủ tịch của Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng cho biết, mặc dù có trường hợp thực hiện điều chỉnh theo quy định, nhưng cách tiếp cận này có những hạn chế bởi vì “đơn giản là không có mức vốn và thanh khoản tối thiểu hợp lý nào có thể giúp ngân hàng tồn tại nếu ngân hàng có mô hình kinh doanh không bền vững hoặc quản trị yếu kém”.

“Nguyên nhân chính của các cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây là do các giám đốc điều hành và quản lý cấp cao không hoàn thành trách nhiệm của họ… Mô hình kinh doanh kém, thủ tục quản lý rủi ro không đầy đủ và thiếu quản trị”, ông cho biết.

Ông Agustín Carstens cho biết, những vấn đề đó “đã tồn tại từ lâu trước khi người gửi tiền tháo chạy và các nhà đầu tư mất niềm tin” và nhiều vấn đề trong số đó lẽ ra phải được “xác định và khắc phục trước thời hạn”.

“Việc giám sát ngân hàng cần phải nâng cấp”, ông lập luận rằng, chi tiêu phải tăng “đáng kể” để giúp các cơ quan giám sát đảm bảo các ngân hàng hoạt động tốt hơn và có thể đối phó với tác động của việc thay đổi lãi suất hoặc những tiến bộ trong công nghệ giúp ngân hàng hoạt động nhanh hơn.

Tăng chi tiêu cho quy định giám sát có thể được tài trợ bởi một “phạm vi” tùy chọn, bao gồm cả sự đóng góp cao hơn từ các ngân hàng. “Một số người chắc chắn sẽ phàn nàn, nhưng đây sẽ là số tiền được chi tiêu hợp lý. Khủng hoảng tài chính làm phát sinh chi phí xã hội và tài chính lớn. Bằng cách giảm khả năng xảy ra, các khoản đầu tư vào một khuôn khổ giám sát hiệu quả hơn chắc chắn sẽ được đền đáp”, ông cho biết.

Hầu hết các thất bại của năm 2023 là ở những ngân hàng quy mô trung bình của Mỹ như Signature Bank và First Republic Bank. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết việc giám sát SVB là thiếu “lực lượng đầy đủ và tính khẩn cấp”, nhưng sự sụp đổ của ngân hàng chủ yếu là do sự nới lỏng các quy tắc trong nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, bao gồm cả sự thay đổi cho phép các ngân hàng quy mô trung bình không cần dự phòng bất kỳ khoản vốn nào cho các khoản lỗ chưa thực hiện trong danh mục đầu tư chứng khoán của họ.

Một báo cáo gần đây của công ty tư vấn Oliver Wyman của Mỹ cho thấy, chi phí giám sát trung bình do các ngân hàng Mỹ đã chi trả là cao gấp đôi so với mức phí ở EU, mặc dù các ngân hàng nhỏ hơn ở EU phải đối mặt với chi phí giám sát cao hơn ở Mỹ.

Một giám đốc điều hành tại một ngân hàng toàn cầu cho biết, các khu vực pháp lý lớn đã chi số tiền đáng kể cho việc giám sát. “Câu hỏi đặt ra là các cơ quan quản lý có đang tiêu tiền đúng cách hay không”, ông Agustín Carstens cho biết.

Ông cũng kêu gọi các giám sát viên “tìm và phát triển đủ kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực như an ninh mạng, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo” để có thể theo kịp “tác động sâu rộng của sự gián đoạn công nghệ” và nâng cao hiệu quả.

“Với đủ nguồn lực và sự hỗ trợ của công nghệ, các giám sát viên sẽ có thể xác định nhiều lỗ hổng hơn ở giai đoạn đầu và hành động trước khi các vấn đề trở nên quá lớn và phức tạp để xử lý… những khoản đầu tư như vậy chắc chắn sẽ làm giảm khả năng đổ vỡ ngân hàng và giảm nguy cơ gây bất ổn hệ thống tài chính”.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bis-cac-co-quan-phai-tang-cuong-giam-sat-de-ngan-chan-su-sup-do-cua-ngan-hang-trong-tuong-lai-post322958.html