BIS kêu gọi cần tăng lãi suất hơn nữa

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) mới đây kêu gọi cần tăng lãi suất hơn nữa, đồng thời cảnh báo nền kinh tế thế giới hiện đang ở thời điểm quan trọng khi các nước đang nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Đồng đô la Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng đô la Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Bất chấp xu hướng tăng lãi suất mạnh mẽ 18 tháng qua, lạm phát ở nhiều nền kinh tế hàng đầu vẫn duy trì ở các mức cao, trong khi chi phí đi vay gia tăng đã gây ra làn sóng phá sản nghiêm trọng nhất trong lĩnh vực ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 15 năm trước.

Trong báo cáo thường niên của BIS, ông Agustin Carstens - Tổng Giám đốc BIS – nhận định: "Nền kinh tế toàn cầu đang ở thời khắc quan trọng. Nhiều thách thức lớn cần được giải quyết”.

Các thách thức hiện nay có điểm khác biệt so với trước đây, khi lần đầu tiên tình hình lạm phát tăng cao diễn ra đồng thời với những bất ổn tài chính lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới.

Báo cáo của BIS cho rằng tình hình lạm phát cao càng lâu, chính sách tiền tệ càng phải thắt chặt mạnh mẽ hơn và kéo dài hơn. BIS cảnh báo có khả năng cao sẽ xảy ra thêm nhiều vấn đề nữa trong lĩnh vực ngân hàng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất thêm 5 điểm phần trăm từ mức gần 0%, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) thêm 4 điểm phần trăm và nhiều nền kinh tế đang phát triển cũng có những động thái tương tự. Kể cả chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng có thể đang tiến đến một “ngã rẽ”.

Câu hỏi đặt ra là các ngân hàng trung ương còn cần nâng lãi suất thêm bao nhiêu nữa, đặt biệt khi có những dấu hiệu cho thấy giới doanh nghiệp đang nắm lấy cơ hội để gia tăng lợi nhuận, còn người lao động đang yêu cầu được tăng lương để đảm bảo có thể duy trì tiêu chuẩn sống.

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang phát đi một thông điệp: nếu chậm chân, các ngân hàng trung ương sẽ không thể giành phần thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Sau khi bất ngờ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm hồi tuần trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey nhận định: “Nếu chúng ta không nâng lãi suất bây giờ, tình trạng lạm phát cao sẽ kéo dài lâu hơn”.

Dù lạm phát đang chậm lại ở nhiều nước sau nhiều đợt nâng lãi suất trong hơn một năm qua, nhưng lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2% mà nhiều ngân hàng trung ương đặt ra.

Nâng lãi suất là công cụ chủ yếu mà các ngân hàng trung ương có để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng có một độ trễ ít nhất 12 tháng từ lúc ngân hàng trung ương hành động cho đến khi hành động đó phát huy tác dụng lên nền kinh tế.

Đó là lý do Fed tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng Sáu sau 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng Ba năm ngoái. Nhưng nhiều quan chức Fed phát đi tín hiệu rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng lên vào tháng tới, vì cùng giống như ông Bailey, Fed không muốn đứng trước nguy cơ mất khả năng kiểm soát lạm phát nếu không hành động ngay từ bây giờ.

Một trong những lý do các ngân hàng trung ương gặp khó khăn trong kiềm chế lạm phát là nhiều khu vực nhất định của nền kinh tế đang không phản ứng với việc tăng lãi suất. Ví dụ, giá dịch vụ tại Mỹ, không tính năng lượng, trong tháng Năm tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 5,2% ghi nhận vào tháng 5/2022, cho thấy xu hướng tăng giá trong lĩnh vực dịch vụ vẫn kéo dài.

Khi lạm phát trở nên dai dẳng hơn, các ngân hàng trung ương sẽ càng khó để kiềm chế. Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Vấn đề chỉ là các ngân hàng trung ương sẽ sẵn sàng để nền kinh tế chịu bao nhiêu tổn thất từ việc tăng lãi suất để đưa lạm phát về mức mong muốn.

Ông Michael Bordo, Giáo sư kinh tế kiêm giám đốc Trung tâm lịch sử tài chính và tiền tệ của đại học Rutgers University, cho rằng việc mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định này cũng có những hậu quả của nó. Theo ông, “càng chờ lâu, các ngân hàng trung ương sẽ càng phải thắt chặt nhiều hơn để kìm hãm lạm phát”, vì nghiên cứu chỉ ra rằng nếu không được giải quyết, lạm phát có thể dai dẳng hơn và các ngân hàng trung ương sẽ càng khó kiểm soát bằng việc nâng lãi suất.

Trước đó, hai Thống đốc của Fed và một chuyên gia kinh tế được đề cử vào Hội đồng Thống đốc của Fed ngày 20/6 cho biết trọng tâm của họ là giảm lạm phát để nền kinh tế có thể lấy lại đà tăng trưởng bền vững.

Thống đốc và cũng là người được đề cử vào vị trí Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson cho biết lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt, nhưng Fed sẽ vẫn tập trung vào việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Ông Jefferson cho biết: "Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có lạm phát, tình hình căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng và sự bất ổn về địa chính trị. Fed phải chú ý đến tất cả những điều này”.

Trong khi đó, Thống đốc Fed Lisa Cook, người được tái đề cử thêm một nhiệm kỳ 14 năm nữa sau khi nhiệm kỳ hiện tại của bà kết thúc vào tháng 1/2024, có lập trường cứng rắn hơn. Bà gọi thời điểm hiện tại là “thời khắc quan trọng” đối với kinh tế Mỹ và cho rằng Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Fed – cần phải hành động để giảm lạm phát. Bà nhấn mạnh lạm phát tăng cao là một mối đe dọa nghiêm trọng với khả năng duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, và bà sẽ tập trung vào vấn đề lạm phát cho đến khi đạt được mục tiêu.

Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 20/6 cũng công bố những phát biểu của bà Adriana Kugler, người được đề cử vào Hội đồng Thống đốc của Fed. Bà Kugler cho rằng đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% là chìa khóa cho việc thiết lập một nền tảng vững chắc để xây dựng một nền kinh tế đem lại lợi ích cho tất cả người dân Mỹ, vì bà cho rằng lạm phát cao sẽ làm tổn thương cả người lao động và giới doanh nghiệp.

Bà Kugler, một chuyên gia kinh tế về lao động hiện đang là đại diện của Mỹ tại Ngân hàng Thế giới, dự kiến sẽ là người Mỹ Latinh đầu tiên trong Hội đồng Thống đốc của Fed.

Trong khi đó, số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) công bố mới đây cho thấy, lạm phát tại Anh bất ngờ duy trì ở mức 8,7% trong tháng Năm, gây sức ép lên BoE và chính phủ nước này trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí.

Thị trường trước đó nhận định lạm phát sẽ giảm so với tháng Tư, trong khi BoE được cho là sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát ở mức cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters nhận định lạm phát tại Anh sẽ giảm xuống 8,4% trong tháng Năm, so với mức cao kỷ lục 41 năm là 11,1% vào tháng 10/2022.

Trong khi đó, lạm phát lõi không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng bất ngờ tăng từ 6,8% lên 7,1%, mức cao nhất kể từ năm 1992.

Lạm phát không giảm trong khi hạ nhiệt lạm phát là ưu tiên của Thủ tướng Rishi Sunak.

Người lao động Anh đã đình công trong nhiều tháng để đòi tăng lương trong bối cảnh khủng hoảng sinh hoạt phí.

Sau khi số liệu lạm phát mới được công bố, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt nói lạm phát cao đã gây khó khăn cho các gia đình và doanh nghiệp Anh. Ông cho biết, Bộ này sẽ sẵn sàng hỗ trợ BoE trong việc kiểm soát lạm phát.

BoE đã nâng lãi suất lên 4,5%, mức cao kỷ lục 15 năm và có thể sẽ tăng lãi suất lần thứ 13 liên tiếp tại cuộc họp vào ngày 22/6, lên 4,75%.

Chính phủ Anh đặt mục tiêu đưa lạm phát giảm xuống mức 5% vào cuối năm nay, bằng một nửa mức vào đầu năm./.

Khánh Ly (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bis-keu-goi-can-tang-lai-suat-hon-nua/296112.html