Bitcoin tăng cao kỷ lục, lần đầu vượt 110.000 USD, chuyên gia nhắm tới mốc 150.000 USD

Bitcoin đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử sáng 22.5, vượt qua mức đỉnh trước đó hồi tháng 1, khi tâm lý chấp nhận rủi ro được cải thiện sau đợt bán tháo đồng tiền mã hóa này do lo ngại về thuế quan vào tháng trước.

Vào thời điểm viết bài, giá Bitcoin (đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới) tăng 2,86% để vượt mốc 110.000 USD, cụ thể là 110.000,51 USD.

Giá Bitcoin tăng được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, gồm cả việc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giảm bớt, cùng với việc Moody's đã hạ bậc tín nhiệm Mỹ, khiến nhà đầu tư tìm kiếm các nguồn đầu tư thay thế cho đồng USD.

Ngày 16.5, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s thông báo hạ một bậc xếp hạng của Mỹ, từ mức cao nhất là Aaa xuống Aa1. Năm 2023, họ đã điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ "ổn định" sang "tiêu cực", do thâm hụt tài khóa và tiền trả lãi tăng. Nợ công của Mỹ hiện là 36.000 tỉ USD.

"Các đời chính phủ và Quốc hội của Mỹ đã không thể thống nhất về những chính sách nhằm đảo ngược xu hướng tăng thâm hụt tài khóa và tiền trả lãi", Moody’s giải thích.

Bitcoin bước vào "vùng trời xanh", chuyên gia nhắm tới mốc 150.000 USD

“Giờ đây khi mức đỉnh của tháng 1 đã bị vượt qua và mức tăng 50% từ đáy hồi tháng 4 đã đạt được, Bitcoin bước vào vùng trời xanh, với những yếu tố thuận lợi như động lực từ các tổ chức và môi trường pháp lý thuận lợi của Mỹ”, Antoni Trenchev, đồng sáng lập nền tảng giao dịch tài sản kỹ thuật số Nexo, chia sẻ với Reuters.

Bitcoin đôi khi được giao dịch tương tự cổ phiếu công nghệ và các tài sản khác, có xu hướng tăng giá khi tâm lý nhà đầu tư tích cực. Chỉ số Nasdaq nặng về công nghệ (.IXIC) đã tăng 30% so với mức thấp đầu tháng 4. Điều đó cũng trùng hợp với sự suy yếu kéo dài của đồng USD. Đây là động lực thúc đẩy thêm cho tỷ giá hối đoái của Bitcoin so với đồng USD.

Bitcoin vượt mức đỉnh trước đó hồi tháng 1 và chạm mốc 110.000 USD - Ảnh: Reuters

Bitcoin vượt mức đỉnh trước đó hồi tháng 1 và chạm mốc 110.000 USD - Ảnh: Reuters

Những người trong thị trường tiền mã hóa thường chỉ ra sự tham gia ngày càng nhiều của các công ty tài chính truyền thống là một trong những nguyên nhân thúc đẩy đà tăng giá Bitcoin. Tuần này, họ đã đề cập đến Jamie Dimon (Giám đốc điều hành JPMorgan Chase & Co), người từ lâu hoài nghi về tiền mã hóa, nhưng đã thông báo ngân hàng này sẽ cho phép khách hàng mua Bitcoin.

JPMorgan Chase & Co là một trong những tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn nhất và lâu đời nhất tại Mỹ và cả thế giới.

Đầu tháng 5, sàn giao dịch tiền mã hóa Coinbase Global đã được thêm vào chỉ số S&P 500.

S&P 500 là một chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ, đại diện cho 500 công ty đại chúng lớn nhất đang niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ như NYSE (Sở giao dịch chứng khoán New York) và Nasdaq.

Nó được xem là chỉ số đại diện tốt nhất cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ vì bao gồm các công ty thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như công nghệ, tài chính, y tế, năng lượng, tiêu dùng,..

Một số công ty nổi bật trong S&P 500 có thể kể đến Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, Nvidia, Meta Platforms, Tesla..

“Chúng ta vẫn đang ở năm thứ tư của chu kỳ giá Bitcoin (năm sau sự kiện Bitcoin halving khi phần thưởng của thợ đào bị giảm một nửa) và theo lịch sử, điều đó có nghĩa là những ngày tươi sáng nhất của nó vẫn còn phía trước. Dù bất ổn vĩ mô và nguy cơ biến động vẫn tồn tại, mục tiêu giá 150.000 USD trong năm 2025 vẫn hoàn toàn khả thi”, Antoni Trenchev nhận định.

Bitcoin halving (chia đôi phần thưởng khối) là sự kiện quan trọng trong mạng lưới Bitcoin, xảy ra khoảng 4 năm một lần. Khi halving diễn ra, phần thưởng mà thợ đào nhận được cho mỗi khối Bitcoin mới sẽ bị giảm một nửa.

Trong khi đó, Ether (đồng tiền mã hóa lớn thứ hai) cũng tăng 1.01% lên mức 2,566.36 USD.

Hôm 19.5, Coinbase Global cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra về vụ xâm phạm dữ liệu gần đây tại công ty.

Paul Grewal, Giám đốc pháp lý của Coinbase Global, cho biết: "Chúng tôi đã thông báo và đang hợp tác với Bộ Tư pháp Mỹ cũng như các cơ quan thực thi pháp luật trong và ngoài nước, đồng thời hoan nghênh việc cơ quan chức năng truy tố hình sự với những kẻ xấu liên quan".

"Coinbase không nằm trong diện bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra. Họ đang điều tra những kẻ phạm tội", một nguồn tin nói với Reuters.

Ngày 15.5, Coinbase Global thông báo hacker đã hối lộ một nhóm nhân viên sàn để đánh cắp thông tin người dùng với mục đích chiếm đoạt tiền mã hóa, sau đó tống tiền nền tảng này nhằm giữ kín vụ việc.

Trong bài đăng trên blog chính thức, Coinbase Global cho biết hacker đã hối lộ một nhóm nhân viên hỗ trợ khách nước ngoài của sàn này làm nội gián nhằm đánh cắp dữ liệu người dùng và thực hiện các cuộc tấn công phi kỹ thuật. Tấn công phi kỹ thuật là hành vi thao túng tâm lý con người nhằm chiếm đoạt các thông tin nhạy cảm, quyền truy cập hệ thống và tài sản kỹ thuật số.

Hacker đã lợi dụng quyền truy cập vào hệ thống hỗ trợ khách hàng để chiếm đoạt dữ liệu tài khoản của một nhóm nhỏ người dùng. Theo Coinbase Global, hacker đã thu thập được thông tin như số điện thoại, địa chỉ email, một phần số an ninh xã hội của khoảng 1% người dùng hoạt động hàng tháng trên sàn.

Coinbase Global cho biết đã nhận được email nặc danh vào ngày 11.5 tiết lộ thông tin nội bộ bị rò rỉ và yêu cầu khoản tiền chuộc 20 triệu USD để giữ bí mật. Coinbase Global từ chối yêu sách và chủ động thông báo vụ việc cho các cơ quan quản lý Mỹ, đồng thời lên kế hoạch chi từ 180 triệu đến 400 triệu USD để đền bù thiệt hại cho các nạn nhân cũng như khắc phục hậu quả.

Coinbase Global tuyên bố treo thưởng 20 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin hữu ích trong việc bắt giữ và kết án các hacker đứng sau vụ việc, sa thải toàn bộ nhóm nhân viên liên quan đến vụ rò rỉ dữ liệu, đồng thời tăng cường các hệ thống giám sát hành vi lừa đảo. Coinbase Global dự kiến sẽ bị thiệt hại từ 180 triệu đến 400 triệu USD từ cuộc tấn công mạng này.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bitcoin-tang-cao-ky-luc-lan-dau-vuot-110-000-usd-chuyen-gia-nham-toi-moc-150-000-usd-232861.html