Bitcoin vượt 118.000 USD gây ra đợt thanh lý vị thế tiền mã hóa quy mô lớn nhất từ đầu 2025

Khoảng 237.000 nhà giao dịch đã bị thanh lý vị thế (đóng cưỡng bức lệnh giao dịch do thua lỗ), trong đó khoản lỗ lớn nhất là một lệnh bán khống cặp tiền mã hóa Bitcoin/USDT trị giá 88,5 triệu USD trên sàn HTX.

USDT là viết tắt của Tether - loại stablecoin (tiền mã hóa ổn định) được gắn với giá trị đồng USD.

Bán khống Bitcoin/USDT là hành động vay Bitcoin/USDT để bán ra với kỳ vọng giá chúng sẽ giảm và sau đó mua lại với giá thấp hơn để kiếm lời. Nếu giá tăng ngược lại, người bán khống sẽ lỗ.

Giá Bitcoin vượt mốc 118.000 USD, lập đỉnh lịch sử mới, dẫn đến đợt thua lỗ nặng nề nhất trong năm với những nhà giao dịch bán khống sử dụng đòn bẩy (đang đánh cược Bitcoin giá giảm) và gây ra đợt thanh lý quy mô lớn nhất từ đầu năm 2025 đến nay.

Khoảng 24 giờ qua, hơn 1,25 tỉ USD vị thế tiền mã hóa đã bị thanh lý, trong đó 1,12 tỉ USD đến từ những người bán khống, theo CoinGlass (nền tảng phân tích dữ liệu chuyên sâu về thị trường phái sinh tiền mã hóa). Điều đó đánh dấu đợt xóa sổ vị thế bán khống tiền mã hóa lớn nhất từ đầu năm 2025 đến nay.

Vị thế tiền mã hóa là cách gọi một lệnh giao dịch đang mở trên thị trường tiền mã hóa, thể hiện bạn đang đặt cược giá sẽ tăng hoặc giảm với một loại tiền số.

Tổng giá trị các hợp đồng tương lai Bitcoin chưa được đóng đã tăng thêm hơn 2 tỉ USD chỉ trong 4 giờ gần đây. Tỷ lệ giữa vị thế mua và bán đang nghiêng về phía người mua với mức 52%, cho thấy càng ngày càng có nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng giá Bitcoin sẽ tiếp tục tăng.

Hợp đồng tương lai Bitcoin chưa được đóng là vị thế giao dịch hợp đồng tương lai liên quan đến Bitcoin mà người chơi vẫn đang giữ trên thị trường, chưa thực hiện đóng lệnh (chốt lời hoặc cắt lỗ).

Giá Bitcoin, đồng tiền mã hóa giá trị nhất thế giới, liên tục tăng lên mức đỉnh sáng 11.7 - Ảnh: Internet

Giá Bitcoin, đồng tiền mã hóa giá trị nhất thế giới, liên tục tăng lên mức đỉnh sáng 11.7 - Ảnh: Internet

Các hợp đồng tương lai Bitcoin là nguyên nhân chính

Trong đợt biến động giá lần này, các hợp đồng tương lai Bitcoin là nguyên nhân chính dẫn đến việc thanh lý hàng loạt, với tổng giá trị thanh lý lên tới 590 triệu USD. Đứng thứ hai là các hợp đồng tương lai của Ether, với 241 triệu USD bị thanh lý.

Tổng cộng khoảng 237.000 nhà giao dịch đã bị thanh lý vị thế, trong đó khoản lỗ lớn nhất là một lệnh bán khống cặp tiền mã hóa Bitcoin/USDT trị giá 88,5 triệu USD trên sàn HTX (tên mới của sàn Huobi). Tỷ lệ bị thanh lý nghiêng gần 90% về phe bán khống, cho thấy mức độ đặt cược mạnh mẽ chống lại đà tăng của thị trường.

Phần lớn thiệt hại rơi vào hai sàn giao dịch Bybit và HTX. Riêng Bybit ghi nhận tổng cộng 461 triệu USD bị thanh lý, trong đó hơn 93% là từ vị thế bán khống. Binance và HTX lần lượt ghi nhận mức thanh lý lần lượt là 204 triệu USD và 193 triệu USD.

Việc thanh lý vị thế bán khống xảy ra khi các nhà giao dịch vay vốn để đặt cược vào việc giá tiền mã hóa sẽ giảm, nhưng sau đó bị buộc phải đóng vị thế do thị trường đi ngược lại dự đoán của họ. Những sự kiện này mang tính phản ứng dây chuyền, không chỉ khóa lại khoản lỗ (lỗ đã thành hiện thực, không thể phục hồi nữa) mà còn thường đẩy giá lên nhanh hơn, do khi các vị thế bị buộc phải bán cưỡng bức trong lúc thị trường đang đi lên.

Đợt tăng thanh lý gần nhất diễn ra trong bối cảnh niềm tin mới vào thị trường tiền mã hóa được phục hồi sau các tín hiệu tích cực về chính sách của chính quyền Trump ở Mỹ và sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán.

Vào tháng 3, ông Trump đã ký một lệnh hành pháp để thiết lập quỹ dự trữ tiền mã hóa chiến lược. Tổng thống Mỹ đã bổ nhiệm một số cá nhân ủng hộ tiền mã hóa, gồm cả Paul Atkins (Ủy viên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán) và David Sacks (chuyên gia trí tuệ nhân tạo của Nhà Trắng).

Bitcoin đã liên tục lập đỉnh lịch sử mới sáng 11.7 (giờ Việt Nam), trong khi giá XRP, Ether, Dogecoin và Solana tăng tới 5% dựa trên các yếu tố khác nhau.

1. HTX là một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu thế giới, được biết đến rộng rãi. Tên gọi HTX là kết quả của việc đổi tên từ sàn Huobi vào tháng 9.2023, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập sàn.

Huobi được Leon Li thành lập vào năm 2013 tại Trung Quốc. Trải qua nhiều biến động về quy định pháp lý, đặc biệt là lệnh cấm giao dịch Bitcoin ở Trung Quốc vào năm 2017, Huobi đã chuyển hướng hoạt động ra thị trường quốc tế và đặt trụ sở chính tại Seychelles (quốc gia ở Đông Phi), đồng thời có văn phòng tại nhiều nơi khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.

Việc đổi tên thành HTX vào năm 2023 mang nhiều ý nghĩa tượng trưng:

H là viết tắt của Huobi, giữ lại bản sắc ban đầu.

T đại diện cho TRON - blockchain liên quan đến Justin Sun (nhân vật có ảnh hưởng trong giới tiền mã hóa và là cố vấn của HTX).

X tượng trưng cho sự kết nối (Exchange) và mở rộng, thể hiện mục tiêu phát triển toàn cầu của sàn.

Các dịch vụ chính của HTX

HTX cung cấp hàng loạt sản phẩm và dịch vụ giao dịch tiền mã hóa đa dạng, phục vụ cả nhà đầu tư mới và chuyên nghiệp.

Giao dịch giao ngay: Cho phép mua bán hơn 700 loại tiền mã hóa khác nhau (gồm cả Bitcoin, Ethereum và các altcoin) với tính thanh khoản cao. Altcoin là tất cả các loại tiền mã hóa khác ngoài Bitcoin.

Giao dịch hợp đồng tương lai và ký quỹ: Cung cấp các sản phẩm phái sinh với đòn bẩy cao, cho phép nhà đầu tư kiếm lợi nhuận từ biến động giá của tiền mã hóa.

Sao chép giao dịch: Người dùng có thể sao chép chiến lược giao dịch của các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm.

HTX Earn: Nền tảng quản lý tài sản linh hoạt, giúp người dùng gia tăng lợi nhuận từ việc gửi tiền mã hóa.

Mua tiền mã hóa bằng tiền pháp định: Hỗ trợ mua Bitcoin cùng các loại tiền mã hóa khác một cách nhanh chóng và dễ dàng bằng thẻ tín dụng hoặc các phương thức thanh toán khác.

Dịch vụ khách hàng 24/7: Hỗ trợ người dùng mọi lúc, mọi nơi.

Độ uy tín và bảo mật

HTX được đánh giá là một trong những sàn giao dịch có khối lượng giao dịch lớn hàng ngày và có lịch sử hoạt động lâu năm trong ngành. Sàn sử dụng các biện pháp bảo mật như lưu trữ phần lớn tài sản ngoại tuyến (ví lạnh), công nghệ đa chữ ký và bằng chứng dự trữ để đảm bảo an toàn cho quỹ của người dùng.

Tuy nhiên, tương tự bất kỳ sàn giao dịch tiền mã hóa nào khác, HTX cũng từng trải qua một số biến động và đối mặt với các vấn đề bảo mật nhỏ. Người dùng luôn được khuyến nghị tự tìm hiểu kỹ lưỡng và thực hiện các biện pháp bảo mật cá nhân (chẳng hạn xác thực hai yếu tố) để bảo vệ tài sản của mình.

2. Bybit là một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn và uy tín trên thế giới, được thành lập vào tháng 3.2018. Hiện tại, trụ sở chính của Bybit đặt tại Dubai (UAE).

Bybit nổi tiếng với việc cung cấp các sản phẩm phái sinh tiền điện tử, gồm hợp đồng tương lai, hợp đồng vĩnh cửu và quyền chọn, với khả năng sử dụng đòn bẩy cao (lên đến 100x hoặc thậm chí 200x tùy sản phẩm). Điều này thu hút nhiều nhà giao dịch muốn tối đa hóa lợi nhuận với số vốn nhỏ.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bitcoin-vuot-118-000-usd-gay-ra-dot-thanh-ly-vi-the-tien-ma-hoa-quy-mo-lon-nhat-tu-dau-2025-234816.html