Bitexco làm ăn ra sao khi hàng loạt dự án 'khủng' bị thu hồi?
Việc liên tục bị thu hồi các dự án 'khủng' đang ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Bitexco, 'ông lớn' hàng đầu ngành địa ốc do đại gia Vũ Quang Hội làm chủ.
CTCP Tập đoàn Bitexco là một doanh nghiệp đa ngành, từ sản xuất, xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư tài chính, đến khai thác khoáng sản, dầu khí… nhưng bất động sản vẫn là một trong những lĩnh vực “lõi”, tạo tiếng vang và ghi dấu ấn mạnh nhất.
Biến động trong kinh doanh
Hàng loạt công trình lớn thuộc sở hữu của Bitexco là khu đô thị The Manor Hà Nội, trung tâm thương mại và văn phòng The Garden (Hà Nội), tòa nhà văn phòng Bitexco (TP. Hà Nội), khu đô thị The Manor TP.HCM, Kawara Mỹ An Onsen Resort (Huế), The Spirit of Saigon…
Đặc biệt, hai “đứa con” nổi tiếng nhất của Bitexco phải kể đến tòa tháp tài chính Bitexco (TP.HCM) và khách sạn JW Marriott Hà Nội. Trong đó, tháp Bitexco cao 68 tầng nằm ở trung tâm quận 1, chính là biểu tượng khẳng định thương hiệu của tập đoàn, với vốn đầu tư ước tính trên 220 triệu USD.
Sở hữu hàng loạt bất động sản “khổng lồ” nên không có gì ngạc nhiên khi Bitexco có tổng tài sản lên tới hàng chục nghìn tỷ. Theo dữ liệu riêng lẻ, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản công ty đạt khoảng 26.546 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2021, phần lớn là tài sản dài hạn với 25.014 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, tiền và các khoản tương đương tiền của Bitexco còn gần 100 tỷ đồng. Doanh nghiệp có hơn 13 tỷ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh, thế nhưng phải trích lập dự phòng gần như 100% cho khoản đầu tư này. Bên cạnh đó, công ty có hơn 3.000 tỷ đồng phải thu về.
Đáng chú ý, đến cuối năm 2022, Bitexco đã dành đến 66% tài sản để đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết, và đơn vị khác. Nợ phải trả của Bitexco ở mức 16.387 tỷ đồng, chiếm khoảng 61% tổng tài sản, trong đó nợ vay tài chính khoảng 3.297 tỷ đồng, chiếm 20% nợ phải trả.
Năm 2022, dù hoạt động kinh doanh của Bitexco khả quan hơn, với lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 1.913 tỷ đồng, tăng 891% so với năm 2021 (193 tỷ đồng), tuy nhiên cùng với những khó khăn của thị trường chung, hoạt động và dòng tiền của công ty cũng gặp không ít biến động.
Minh chứng là hàng loạt dự án “khủng” của Bitexco bị thu hồi trong thời gian qua, điển hình như dự án khu Tứ giác Nguyễn Cư Trinh (hay khu Tứ giác Mả Lạng) tại quận 1, hay dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với diện tích hơn 426.9 ha từng được kỳ vọng trở thành “lá phổi xanh” trên bán đảo Thanh Đa...
Mới nhất, vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Bitexco bị UBND TP Hà Nội yêu cầu khẩn trương bàn giao lại 5.3 ha diện tích đất đang quản lý tại khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (tên thương mại là The Manor Central Park) cho Sở TN&MT theo Quyết định số 6889 ngày 28/11/2019 của UBND TP trước ngày 15/9/2023.
“Chao đảo” vì trái phiếu
Cùng với việc liên tục bị bị thu hồi các dự án “khủng”, công ty “con” phụ trách chính mảng địa ốc của Bitexco là Saigon Glory cũng đang lao đao với trái phiếu doanh nghiệp.
Saigon Glory được Bitexco thành lập từ tháng 6/2018, với vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản. Đến nay, người đại diện theo pháp luật của Saigon Glory vẫn là ông Vũ Quang Bảo - CEO Tập đoàn Bitexco, Chủ tịch BB Group. Ông Bảo là em trai ông Vũ Quang Hội - Chủ tịch HĐQT, người sáng lập của Bitexco.
Theo tìm hiểu, vào giữa năm 2020, công ty đã phát hành 10 lô trái phiếu có mã thứ tự từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.10, với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng để phát triển dự án. Các lô trái phiếu do Saigon Glory phát hành có kỳ hạn 3 hoặc 5 năm.
Trong đó, các lô trái phiếu có mã từ SGL-2020.01, SGL-2020.02, SGL-2020.03, SGL-2020.04, SGL-2020.05 với tổng trị giá 5.000 tỷ đồng thuộc sở hữu của gần 3.000 trái chủ sẽ đáo hạn trong tháng 6/2023.
Tuy nhiên, vì gặp khó về dòng tiền, Saigon Glory đã phải tổ chức hội nghị để xin ý kiến người sở hữu trái phiếu về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các điều kiện trái phiếu, bao gồm điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu và lãi suất trái phiếu, nhưng bất thành do không đủ số thành viên tham dự.
Đến đầu tháng 8 vừa qua, Saigon Glory đã có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán lô trái phiếu có giá trị 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, lô trái phiếu SGL-2020.04 phát hành ngày 28/7/2020, đáo hạn ngày 28/7/2023 bị chậm thanh toán gốc, lãi, do thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi, doanh nghiệp chưa thể triển khai kế hoạch kinh doanh của dự án nên chưa thu xếp kịp nguồn tiền.
Đại diện công ty khẳng định đã và đang phối hợp cùng các bên liên quan để thực hiện lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản phê duyệt phương án gia hạn trái phiếu. Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp này xin chậm thanh toán tiền gốc trái phiếu, nhưng gây bất ngờ cho nhiều trái chủ bởi Saigon Glory thậm chí không thể thanh toán nổi 29 tỷ đồng tiền lãi.
Có thể thấy, khó khăn của thị trường bất động sản đang “không chừa một ai”, kể cả là “ông lớn” như Bitexco. Với tiềm lực mạnh mẽ, các lĩnh vực khác có thể bù đắp thiếu hụt cho mảng địa ốc của công ty. Tuy nhiên, việc liên tục bị thu hồi dự án nghìn tỷ, khất nợ trái phiếu thời gian qua phần nào đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến tên tuổi và uy tín của Bitexco.