Biwase khánh thành nhà máy đốt rác phát điện với công suất 5 MW
Sáng 12/1/2024, CTCP - Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy đốt rác phát điện 5MW và nâng công suất phân loại, tái chế, xử lý rác lên 2.520 tấn/ngày.
Đến dự lễ khánh thành, có ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành; lãnh đạo các tỉnh, thành bạn cùng lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban ngành tỉnh Bình Dương.
Ông Trần Chí Công, Tổng giám đốc Công ty Biwase cho biết: “Hôm nay, nhân sự kiện quan trọng của tỉnh Bình Dương, của Công ty cũng như của ngành xử lý rác, lần đầu tiên trong nước đã tự chủ thiết kế, thi công nhà máy đốt rác có kết hợp thu nhiệt phát điện đã vận hành thành công và an toàn với những thiết bị phù hợp, hiện đại.
Hiện nay, Biwase có đến 4 dây chuyền công nghệ tách lọc xử lý rác với công suất 2.520 tấn/ngày với quy mô khu tích ủ lên men trên 100.00 m3, diện tích sàn 30.800 m2; diện tích nhà xưởng ủ chín lên tới 56.800 m2; 2 nhà máy xử lý nước rỉ rác công suất 1.000 m3/ngày cùng nhiều dây chuyền xử lý tái chế khác hoàn toàn đủ công suất tiếp nhận 100% rác sinh hoạt của tỉnh về khu liên hợp; 2 nhà máy đốt rác y tế công suất 16 tấn/ngày; 4 nhà máy đốt rác hỗn hợp công suất 500 tấn/ngày, trong đó có 1 nhà máy công suất 200 tấn/ngày có thu nhiệt phát điện công suất 5 MW”.
Dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Khu liên hợp xử lý chất rải rắn Nam Bình Dương - giai đoạn 4 với tổng vốn đầu tư 835 tỷ đồng (hơn 34,4 triệu USD), công suất tiếp nhận phân loại rác làm phân hữu cơ là 840 tấn/ngày; và lò đốt rác có kết hợp phát điện công suất đốt 200 tấn/ngày, công suất phát điện là 5 MW. Trong đó, dự án được tài trợ 20 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), tương ứng 480 tỷ đồng.
Sau khi nâng công suất khu liên hợp xử lý rác thải, tổng công suất đã đầu tư của Công ty lên tới 2.520 ở tấn/ngày (lượng tiếp nhận thực tế chỉ 2.350 tấn/ngày). Như vậy, Biwase đã và sẽ tiếp tục đảm xử lý toàn bộ rác thải và đang đầu tư dư công suất cho những năm sắp tới nếu như rác thải tiếp tục tăng lên.
Đây cũng là phương án dự phòng cho vài năm tiếp theo nhằm bảo đảm khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương, biến toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày thành nhiều sản phẩm khoa học, hữu ích gồm năng lượng tái tạo (điện), phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng, phù hợp với xu hướng "rác là tài nguyên" và kinh tế tuần hoàn hiện nay.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá, đây là dự án lớn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Ông đề nghị tỉnh phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tiếp tục hành động thiết thực giải quyết vấn đề chất thải rắn, ứng xử có trách nhiệm với công tác quản lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường; chỉ đạo thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Đồng thời nghiên cứu làm chủ công nghệ, quản lý vận hành dự án phát huy hiệu quả.
“Bình Dương với quyết tâm xây dựng Khu Liên hợp xử lý rác với các dây chuyền xử lý khác nhau để tách lọc xử lý tái chế triệt để các loại rác với công nghệ ngang bằng với các quốc gia phát triển bằng khả năng, kiến thức của người Việt Nam và mong muốn luôn giữ khu xử lý luôn an toàn, sinh thái. Do vậy, vượt lên trên các quy định, quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc, Công ty luôn giữ cho khu xử lý rác không phát tán mùi, luôn có màu xanh, sạch, sinh thái để mọi người ở gần khu xử lý rác cảm thấy an tâm”, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Biwase nhấn mạnh.
Được biết, tại Khu liên hợp xử lý chất rải rắn Nam Bình Dương, Biwase đã đầu tư xây dựng được nhà máy tuần hoàn, từ sản xuất phân hữu cơ (sản phẩm phân bón hữu cơ Con Voi Bình Dương), đốt rác thành điện, tro trong quá trình đốt rác được tái chế để sản xuất gạch (sản phẩm gạch Biwase - Con Voi Bình Dương).