Black Friday tưng bừng mua sắm, dân công sở đổ xô săn hàng
Black Friday được xem là ngày hội mua sắm của nhiều người khi các cửa hàng, doanh nghiệp, giảm giá nhiều và giảm với nhiều mặt hàng. Với doanh nghiệp, đây là cơ hội làm ăn cuối năm.
Dân công sở săn giảm giá
Black Friday năm nay là ngày 29/11, nhưng một số thương hiệu lớn đã giảm giá trước cả tuần. Các mặt hàng thời trang như giày, dép, quần áo... tại nhiều cửa hàng giảm giá từ 15% đến 50%. Tại Hà Nội, nhiều cửa nhà bán lẻ quần áo trên các phố Cầu Giấy, Bà Triệu, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch... căng băng rôn quảng cáo giảm giá 50%, có nơi giảm đến 90% hoặc khuyến mại chỉ từ 5.000 đồng đến 50.000 đồng/ sản phẩm. Một số cơ sở còn dừng bán trực tuyến để tập trung xả đồ tại cửa hàng.
Tại cửa hàng Zaza ở Trung tâm Thương mại Vincom Bà Triệu, càng gần trưa, khách càng tấp nập vào mua sắm. Nhiều người xếp hàng thử đồ, thanh toán. Mức giảm tại đây cao nhất tới 40% giá bán. Chị Mai Trinh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi sợ đúng ngày black Friday sẽ đông nên tranh thủ đi mua luôn hôm nay. Tôi tin tưởng vào cửa hàng bán các thương hiệu nước ngoài, dù đồ tôi chọn chỉ giảm giá 15%. Năm nào tôi cũng canh đợt giảm giá này để mua món đồ mình thích”.
Tại một cửa hàng thời trang trên phố Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội), ngay trong ngày đầu tiên của đợt sale (giảm giá) đón Black Friday, nhân viên liên tục treo thêm đồ mới. “Cửa hàng bắt đầu sale từ sáng nay, khách đến đông hơn ngày thường, mua ngay lúc cửa hàng mới công bố vì còn nhiều đồ, dễ chọn. Đến tối, chắc người mua còn đông hơn”, chị Phượng, nhân viên bán hàng cho biết.
Sau hơn 30 phút chọn lựa, chị Thu (Phương Mai, Hà Nội) xếp hàng thanh toán với giỏ đồ gồm 6 sản phẩm. Trong số đồ mua được, sản phẩm sale cao nhất đến 50% là chiếc áo len, còn lại từ 10 đến 30%. “Toàn đồ mùa đông, chất liệu tốt, cả nhà 4 người mua chưa hết 1 triệu đồng là hời. So với ngày bình thường, tiết kiệm được vài trăm ngàn”, chị Thu cho hay.
Bên cạnh mua được đồ giảm giá ưng í, nhiều khách hàng bày tỏ thất vọng vì “treo đầu dê bán thịt chó”. Chị Minh Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Dù treo biển giảm giá khủng nhưng thực tế vào trong cửa hàng thấy rất ít sản phẩm được giảm giá 50-70%. Những mặt hàng giảm giá hầu hết là hàng có size lớn hơn hoặc bé hơn so với số đông người Việt”.
Tại một cửa hàng trưng biển giảm 80% trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội), PV quan sát nhận thấy chỉ có 5-6 sản phẩm được giảm giá ở mức này. Trước thắc mắc “vì sao quảng cáo một đằng thực tế một nẻo?” nhân viên trả lời hững hờ: “Hàng giảm giá mấy ngày nay nên khách đã chọn hết”.
Đối với mặt hàng được giảm giá 50% cũng tương tự. Những chiếc áo khoác có size quá to, quá lỗi mốt. Giá niêm yết trên sản phẩm 800.000 đồng/chiếc, dù giảm 50% vẫn còn đắt. Tại một cửa hàng khác, trưng biển giá giảm sốc 90% nhưng thực tế, sản phẩm chỉ giảm giá cao nhất ở mức 50%. Các sản phẩm giảm giá chủ yếu là váy, áo đồ dùng trong mùa hè, lỗi mốt.
Doanh nghiệp bội thu
Chuỗi cửa hàng LUG ghi nhận, chỉ trong 3 ngày đầu chạy chương trình Black Friday, có tổng cộng 20.000 chiếc vali của hơn 25 thương hiệu quốc tế được bán ra. Đây là mức doanh số kỷ lục của chuỗi cửa hàng bán lẻ các sản phẩm để chứa hành lý trong 3 dịp Black Friday gần đây. Các sản phẩm bán ra nhiều nhất là vali của thương hiệu Echolac, Elle, Antler, Lojel và DKNY với hơn 5.000 chiếc. Với bán hàng online, trung bình mỗi phút LUG bán một sản phẩm. Lượng truy cập web hãng này tăng 70% so với ngày thường.
Chưa có thống kê chính thức về lượng hàng bán ra và doanh thu trong dịp mua sắm Black Friday tại Việt Nam. Song, các chuyên gia kinh tế dự đoán dịp Black Friday các doanh nghiệp, shop thời trang... doanh thu cả nghìn tỷ đồng.
Hệ thống vàng bạc PNJ cũng tung khuyến mại sốc nhân dịp Black Friday, ngay cả với kim cương cũng giảm giá lên đến 10%. Các sản phẩm trang sức khác khuyến mại đến 35%.
Ý kiến chuyên gia: Hai mặt của Black Friday
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), ngày giảm giá (Black Friday) xuất phát từ nước phương Tây, nhằm thanh lý hàng hóa, đóng cửa hàng để chuẩn bị kỳ nghỉ Giáng sinh đón năm mới. Đây là ngày khuyến khích tiêu dùng, bán lẻ để doanh nghiệp thanh lý hàng tồn kho.
Ở các nước, cơ quan chức năng và doanh nghiệp kiểm tra về số lượng, chất lượng sản phẩm bán ra trong ngày giảm giá nên đảm bảo hàng bán ra đảm bảo phẩm cấp. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong nhiều năm qua học theo cách này để kích cầu tiêu dùng. Ở mặt tích cực, ngày Black Friday giúp nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng và thanh lý hàng tồn kho. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp lợi dụng ngày giảm giá để bán hàng hóa lỗi, hàng không đủ phẩm cấp ra thị trường. Chính điều này làm cho ngày giảm giá của Việt Nam thành “vết đen” trong tâm lý người tiêu dùng. Thậm chí, một số doanh nghiệp tăng giá danh nghĩa để bán ra tương đương ngày thường. Điều này không chấp nhận được.
“Chữ tín của doanh nghiệp trong kinh doanh rất quan trọng. Nếu làm ăn chộp giật chỉ có thể được vài năm. Nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần xem dịp như ngày giảm giá vừa quảng bá thương hiệu, vừa thanh lý hàng hóa. Tuy nhiên, phải đảm bảo phẩm cấp phù hợp. Lúc này, tên tuổi hàng hóa, tên tuổi doanh nghiệp mới tốt hơn”, ông Thịnh khuyến nghị.
Theo ông Thịnh, điểm khác biệt của Black Friday ở Việt Nam với các nước là sau Black Friday, Tết nguyên đán cũng là dịp người dân đẩy mạnh mua bán hàng hóa. Chúng ta nên tận dụng cơ hội để thúc đẩy kinh doanh thuận lợi.
Ngọc Mai- Quỳnh Nga