BLOCKCHAIN – ỨNG DỤNG THỰC TIỄN VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN

Vừa qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Hiệp hội Blockchain Vệt Nam tổ chức Hội thảo 'Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số'. Tại Hội thảo, các chuyên gia tham dự đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về nội dung ứng dụng thực tiễn của Blockchain và các vấn đề pháp lý liên quan đến công nghệ này.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Hiện nay, trên thế giới, công nghệ Blockchain phát triển mạnh trong nhiều lĩnh vực với quy mô ngày càng lớn. Chiến lược đổi mới sáng tạo và công nghệ của nước ta đến năm 2030 là ứng dụng khoa học mới vào trong các lĩnh vực. Để thúc đẩy kinh tế – xã hội và công nghệ sáng tạo, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng nêu rõ ưu tiên các ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Blockchain,…

Tại Hội thảo, giải thích về Blockchain, Ông Hoàng Văn Huây – Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: công nghệ Blockchain là một công cụ công nghệ rất quan trọng và chủ chốt trong kỷ nguyên số của loài người hiện nay. Công nghệ này có đặc điểm rất cơ bản như tính bảo mật, tính bình đẳng, tính khách quan, tính trung thực, chính xác của quá trình phát triển kinh tế – xã hội nói chung cũng như các lĩnh vực then chốt của nó nói riêng.

Ông Hoàng Văn Huây – Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Ông Hoàng Văn Huây – Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Khi cả thế giới bước vào cuộc cách mang công nghệ 4.0, con người sử dụng Blockchain rất nhiều trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng,khoa học, giáo dục, y tế, đặc biệt là giao dịch toàn cầu.

Giải thích rõ hơn về Blockchain, ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, Blockchain là sự tiến hóa của Internet, cụ thể là sự thay đổi và phát triển từ Web 1.0 đến Web 3.0. Blockchain là ngành công nghệ trực tuyến quản lý dữ liệu thông qua hệ thống máy tính hoặc các điểm phi tập trung (Decentralized network of computers or nodes). Và các đặc điểm chính của nó là: Phi tập trung (Decentralized): Mỗi người sẽ giữ lại một bản sao hoàn chỉnh những giao dịch đã diễn ra và xác thực chúng thông qua một loạt các thuật toán phức tạp. Thuật toán đồng thuận: Người dùng đồng ý các giao dịch hợp lệ thông qua cơ chế đồng thuận và ghi nhận các giao dịch và cấu trúc dữ liệu được gọi là “khối” (block) liên kết với nhau theo trình tự thời gian trong một “chuỗi” (chain).

Blockchain xuất phát từ một công thức toán học và với thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay có thể ứng dụng được. Hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng vì nó sinh ra lợi nhuận về mặt kinh tế rất lớn nhưng chưa hình thành một đạo luật chung khi sử dụng công nghệ này. Do đó, tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã tập chung cho ý kiến về những vấn đề pháp lý liên quan đến công nghệ Blockchain.

Theo ông Đỗ Việt Cường - Chánh Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên – Huế, ứng dụng liên quan đến tiền ảo, tài khoản ảo là những khái niệm mới mà chắc chắn tương lai sẽ xuất hiện trong luật pháp và cần phải có những chế tài, chế định để quy định. Thực tế trên thế giới đã có nhiều nước nghiên cứu về đồng tiền ảo của mình.

Ông Đỗ Việt Cường - Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên-Huế đề cập về một số ứng dụng thực tiễn của Blockchain.

Ông Đỗ Việt Cường - Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên-Huế đề cập về một số ứng dụng thực tiễn của Blockchain.

Ông Đỗ Việt Cường cho rằng, về vấn đề tiền ảo hay đồng tiền mã hóa là vấn đề mang tính chuyên môn tương đối khác nhau và không chỉ là đồng tiền xuất hiện trong luật pháp quốc gia mà đôi khi còn xuất hiện những đồng tiền khác như Bitcoin,… "Đồng tiền" do các cá nhân hoặc các tổ chức sinh ra, kể các các tổ chức tội phạm. Chính vì thông qua sự "không biên giới" đã làm cho các đồng tiền này được các tổ chức tội phạm sử dụng nhiều. Cho nên việc ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực công nghệ đặt ra vấn đề phải ứng dụng làm sao để quản lý được các đồng tiền mà các cá nhân hay các tổ chức sinh ra.

Blockchain là sản phẩm đầu tiên của Bitcoin vào năm 2009. Và từ năm 2015 đến 2017 là khoảng thời gian của sự bùng phát việc sử dụng công nghệ Blockchain, bởi đây là một công nghệ không được quy định cụ thể trong luật pháp mà nó dựa trên một số công nghệ mã hóa, cấu trúc, liên kết và hầu hết phụ thuộc vào các cá nhân hoặc các nhóm tổ chức. Điển hình nhất là sự kêu gọi vốn, sau đó đánh sập các hệ thống và lấy tiền của các nhà đầu tư non trẻ, dẫn đến một làn sóng tẩy chay mạnh mẽ đối với Blockchain.

Ông Đỗ Việt Cường cũng cho biết nhiều quốc gia đã có quy định về đồng tiền kĩ thuật số của họ và Việt Nam chưa thể chế được việc này nhưng tất yếu sẽ đến lúc chúng ta phải làm chủ về mặt chủ quyền để tránh việc tổ chức khác ở bên ngoài dựa vào đồng tiền của chúng ta để họ xây ra một đồng tiền số. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết thêm việc áp dụng Blockchain vào thực tiễn cuộc sống còn hạn chế.

Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Bày tỏ sự đồng tình về vấn đề phải xây dựng khung pháp lý phù hợp cho công nghệ Blockchain, ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho biết cần có một cơ sở pháp lý chắc chắn. Đồng thời cũng đưa ra khuyến nghị rằng, dựa trên cơ sở Bộ Luật Dân sự 2015, tài sản bao gồm cả quyền tài sản không chỉ tài sản bằng hiện vật mà quyền tài sản có thể áp dụng vào Blockchain dựa trên quyền phái sinh. Đây là cơ sở Luật Dân sự được áp dụng cho rất nhiều các quốc gia khi chưa hoàn thiện tính pháp lý về vấn đề thế nào là tài sản ảo.

Đồng quan điểm về vấn đề pháp lý liên quan đến công nghệ Blockchain, bà Lưu Hương Ly – Trưởng phòng Pháp luật Dân sự, Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp) bày tỏ: Có rất nhiều rủi ro trong trật tự an toàn xã hội như công nghệ này có thể bị lạm dụng trong các hoạt động mang tính chất tội phạm như rửa tiền, khủng bố,… hoặc những việc không có khung pháp lý ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dung hoặc ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Nên nếu muốn có một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển công nghệ cần có một khung pháp lý rõ ràng nhằm điều chỉnh công nghệ Blockchain.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Xứng – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Mật mã Dân sự và Kiểm định Sản phẩm Mật mã, cho rằng Luật điều chỉnh Blockchain là không cần thiết. Blockchain là một nhánh của công nghệ mật mã, là cơ sở hạ tầng và xét đến cùng vẫn là mang yếu tố con người. Để công nghệ này phát triển thì cần phải điều chỉnh luật về tài sản (tài sản số) và khái niệm tiền điện tử. Vì khi điều chỉnh luật, tức khắc sẽ tạo động lực cho công nghệ này phát triển. Sức mạnh của Blockchain khác với những công nghệ khác, vì hiện nay giao dịch điện tử với cốt lõi là thanh toán điện tử. Nhưng giao dịch điện tử lại thiếu sự an toàn, nếu muốn thực hiện an toàn phải đảm bảo được 4 yếu tố: xác thực, đảm bảo tính toàn diện dữ liệu, tính bảo mật, tính chống chối bỏ. Cho nên sự cần thiết ban hành quy định pháp luật đầy đủ để tạo ra môi trường đầu tư, giao dịch minh bạch… /.

Ngọc Thúy

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80476