Blouse trắng hiến máu cứu người bệnh

Những năm qua, hiến máu cứu người bệnh đã trở thành việc làm thường xuyên của nhiều y bác sĩ, cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Trong đó không ít người đã có hàng chục lần tham gia hiến máu và sẵn sàng là 'kho máu sống' để cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

 Điều dưỡng Trần Thị My Ly (khoa Nội thận - Tiết niệu - Thận nhân tạo) hiến máu khẩn cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Bường vượt qua cơn nguy kịch - Ảnh: H.T

Điều dưỡng Trần Thị My Ly (khoa Nội thận - Tiết niệu - Thận nhân tạo) hiến máu khẩn cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Bường vượt qua cơn nguy kịch - Ảnh: H.T

Ngày 20/8/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tiếp nhận bệnh nhân Lê Thị H. (trú tại xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh) với tình trạng bị nhiễm trùng huyết, biến chứng suy đa tạng, rối loạn đông chảy máu. Đến sáng hôm sau, bệnh nhân H. có chuyển biến nặng, tình hình nguy cấp cần được truyền máu, tiểu cầu nhóm B nhưng việc tiếp nhận máu tại Trung tâm Huyết học, Truyền máu của Bệnh viện Trung ương Huế rất khó khăn. Ngoài ra, việc tập trung người hiến máu là không thể do trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống COVID-19. Không một chút đắn đo, các cán bộ y tế gồm bác sĩ Bùi Ngọc Hoàng, kỹ thuật viên Lê Quốc Học (Khoa Huyết học truyền máu), cử nhân Trương Quang Tuấn (Khoa Sinh hóa) và cử nhân Đoàn Phúc (Phòng Kế hoạch tổng hợp) của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hiến 4 đơn vị máu, kịp thời cứu nữ bệnh nhân qua cơn thập tử nhất sinh. Hay như trường hợp bệnh nhân cao tuổi Nguyễn Bường ở Phường 5, thành phố Đông Hà mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối và phải chạy thận hơn 6 năm nay. Ngày 16/2/2021, bệnh nhân Bường nhập viện trong tình trạng xuất huyết đường ruột, mất máu nhiều, toàn thân tím tái. Sau khi thực hiện các xét nghiệm và chụp CTScaner, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa từ ruột non, suy thận mạn giai đoạn cuối và tăng huyết áp, cần được truyền máu và cấp cứu khẩn cấp. Trong khi đó ngân hàng máu dự trữ của bệnh viện không đủ máu thuộc nhóm máu của bệnh nhân Bường.

Trước tình hình nguy cấp, bệnh nhân không được truyền máu kịp thời thì nguy cơ dẫn đến tử vong là rất cao. Ngay lập tức, bác sĩ Ngô Quốc Thắng (Khoa Ngoại tổng hợp), điều dưỡng Trần Tùng Nhã (Khoa Nội tổng hợp), điều dưỡng Trần Thị My Ly (Khoa Nội thận - Tiết niệu - Thận nhân tạo) và nhân viên bảo vệ Nguyễn Văn Nam (Phòng Hành chính) sẵn sàng hiến tặng máu để kịp thời truyền cho bệnh nhân, kết hợp với các thuốc kháng tiết, chống viêm loét, hồi sức nâng cao và lọc máu cấp cứu để điều trị qua cơn nguy kịch, giành lại sự sống cho ông Bường. Anh Nguyễn Hòa, con bệnh nhân xúc động chia sẻ: “Sau gần 2 tháng điều trị, sức khỏe của ba tôi tiến triển rất tốt và đã chuẩn bị xuất viện trở về nhà. Bản thân tôi và gia đình vô cùng biết ơn sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ giàu y đức, giỏi về chuyên môn, sẵn sàng hiến máu cứu người kịp thời của Bệnh viện Đa khoa tỉnh”.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị được cứu sống kịp thời nhờ những giọt máu hồng của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ ở đây. Trưởng phòng Điều dưỡng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trần Thị Vân cho biết: “Xác định sâu sắc mục đích, ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện, thời gian qua, bệnh viện đã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động nâng cao hiểu biết và trách nhiệm của mỗi cán bộ, y bác sĩ về mục đích, ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện và an toàn truyền máu. Tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả các đợt cao điểm hiến máu, huy động được sự quan tâm của nhiều cán bộ, y bác sĩ, đưa phong trào hiến máu tình nguyện trở thành hoạt động thường xuyên, sâu rộng trong bệnh viện. Đặc biệt, bệnh viện có 159 cán bộ, y bác sĩ tự nguyện đăng ký tham gia “Đội hiến máu khẩn cấp” sẵn sàng hiến máu cứu người. Chỉ tính riêng trong năm 2020, “Đội hiến máu khẩn cấp” đã hiến tặng 72 đơn vị máu để kịp thời cứu sống người bệnh”.

Điều dưỡng Nguyễn Văn Nghĩa, Khoa Nội thận - Tiết niệu - Thận nhân tạo, người đã có trên 15 lần tham gia hiến máu tình nguyện, trong đó không ít lần sẵn sàng làm “kho máu sống” để truyền máu khẩn cấp cho bệnh nhân trong cơn thập tử nhất sinh, cho biết: “Đối với những người làm nghề y, hơn ai hết họ hiểu rõ vai trò của máu đối với cơ thể con người. Với người bệnh, nhất là bệnh nhân cần máu khẩn cấp để điều trị thì máu là thứ quý hiếm không gì so sánh được. Do vậy, tôi đều đặn hiến máu mỗi năm từ 1 - 2 lần và luôn sẵn sàng hiến máu trong những trường hợp khẩn cấp, góp phần chia sẻ giọt máu của mình vì sự sống của người bệnh”.

Những blouse trắng hiến máu cứu người bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng mà làm sáng đẹp thêm phẩm chất “lương y như từ mẫu”.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=157497&title=blouse-trang-hien-mau-cuu-nguoi-benh