Bộ 3 luật về bất động sản có hiệu lực: 'Cuộc chơi' dành cho các doanh nghiệp 'làm thật chơi thật'

Khi bộ 3 Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, các doanh nghiệp sẽ không thể 'tay không bắt giặc' như trước, việc phát triển các dự án sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Các nhà đầu tư phải là người 'làm thật chơi thật', việc đón sóng, lướt sóng ảo sẽ không thể xảy ra.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, hệ thống các luật trên trước hết sẽ tác động tích cực đến việc kinh doanh bất động sản trong thời gian tới, tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực cho các chủ thể trong xã hội, từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng, thậm chí cả các nhà đầu tư nước ngoài hay các cá nhân Việt Nam ở nước ngoài.

“Khơi thông” các dự án đang tắc nghẽn

"Các quy định mới cơ bản sẽ tạo ra dòng chảy cho các dự án bất động sản, các dự án sẽ có cơ hội để triển khai, đặc biệt là các dự án mới. Các dự án đang bị tắc nghẽn có thể được tháo gỡ nhờ các quy định về chuyển tiếp. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, sẽ vẫn có các dự án tiếp tục tắc nghẽn", ông Đỉnh nhận định.

Khi các luật có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ không thể "tay không bắt giặc", việc phát triển các dự án sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Khi các luật có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ không thể "tay không bắt giặc", việc phát triển các dự án sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Việc quy định rõ ràng trong luật giúp tránh tình trạng lạm quyền khi thi hành công vụ. Đơn cử, Luật Đất đai 2024 quy định rõ việc thu hồi đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại thông qua cơ chế đấu giá, đấu thầu chỉ áp dụng cho các dự án quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (có đủ điện, đường, trường, trạm…).

Thời kỳ tới, cơ bản các dự án nhà ở sẽ được triển khai theo loại hình nhà nước thu hồi đất rồi đấu giá, đấu thầu. Điều này cũng có nghĩa rằng các dự án quy mô lớn khi đấu giá, đấu thầu sẽ đòi hỏi năng lực nhà đầu tư lớn, bao gồm năng lực về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm, tạo ra nhiều lợi ích quốc gia, công cộng, tạo ra tăng trưởng cho địa phương, cho người dân.

Đơn cử, với những người dân có đất bị thu hồi ruộng đất để chuyển mục đích sang phát triển đô thị, sau khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ có thể tiếp tục sinh sống tại khu vực lân cận và thụ hưởng các tiện ích, hạ tầng do dự án mang lại, đồng thời có cơ hội thay đổi việc làm sang phi nông nghiệp khi dự án triển khai.

Các luật có hiệu lực cũng sẽ dẫn tới sự thay đổi trong cơ cấu thị trường và quy mô doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ phải có chiến lược như tăng vốn hoặc sáp nhập để hình thành các doanh nghiệp mới có đủ năng lực để tiếp cận với việc đấu giá, đấu thầu và triển khai dự án.

“Tôi kỳ vọng rằng, thị trường bất động sản sẽ lành mạnh hơn, được kiểm soát tốt hơn, tránh sự tăng quá nhanh như thời gian qua.

Ngoài ra, theo các chuyên gia quy định mới của luật sẽ giúp tránh được việc thu hồi đất tràn lan. Trong thời gian tới, khiếu kiện, tranh chấp dự báo sẽ giảm đi khi nhà nước thu hồi đất, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn khi các thủ tục hành chính được triển khai nhanh và hiệu quả hơn. Việc định giá đất theo thị trường sẽ giúp người dân được bồi thường thỏa đáng hơn, từ đó giải phóng mặt bằng nhanh hơn, giúp các nhà đầu tư triển khai dự án nhanh hơn.

Sẽ không thể "tay không bắt giặc"

Góp ý thêm về chủ đề này, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng, trong các luật sửa đổi lần này, quan điểm của các nhà làm luật là nhằm đồng nhất các quy định thể chế, liên quan đến sử dụng đất đai, không để tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, giúp cho các hoạt động đầu tư, sử dụng các nguồn lực đất đai được rõ ràng, minh bạch, hướng đến việc làm thế nào đẩy mạnh năng lực thực tế.

Theo ông Đính, các khó khăn của thị trường thời gian vừa qua cũng chính là sự sàng lọc cuộc chơi. Thị trường chỉ còn lại những doanh nghiệp đủ năng lực. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ buộc phải cùng liên doanh, liên kết để có đủ sức phát triển và tồn tại trên thị trường.

Khi các luật có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ không thể "tay không bắt giặc", việc phát triển các dự án sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Các nhà đầu tư phải là người làm thật chơi thật. Việc đón sóng, lướt sóng ảo sẽ không thể xảy ra khi các quy định pháp luật mới có hiệu lực.

Một số điểm mới của các luật liên quan đến thị trường bất động sản như bảng giá đất trước quy định 5 năm 1 lần, do trung ương quyết định, tuy nhiên hiện nay bảng giá đất được cập nhật hàng năm, phân quyền xuống địa phương. Các thông tin về giá đất chặt chẽ, rõ ràng, để cuộc chơi có tính chất sòng phẳng, công bằng hơn.

Bên cạnh đó là các quy định về đầu tư, nhà ở xã hội, bán nhà cho người nước ngoài... đó là những quy định mới sẽ tạo cuộc chơi hay hơn, hấp dẫn hơn trong thời gian tới.

Các quy định mới trong luật như vậy, song vấn đề đặt ra là các nghị định, thông tư dưới luật liệu có phát sinh thêm những điểm nghẽn hay không? Vấn đề chất lượng các văn bản dưới luật vẫn là băn khoăn rất lớn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Liệu tới đây các văn bản này có thực sự tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hay không?

"Đặc biệt, vấn đề giá đất cũng là điểm nghẽn rất lớn, nếu không giải quyết được sẽ tiếp tục gây tắc nghẽn các dự án, kéo theo đó là nhiều vấn đề ách tắc cho thị trường bất động sản" - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nói.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/bo-3-luat-ve-bat-dong-san-co-hieu-luc-cuoc-choi-danh-cho-cac-doanh-nghiep-lam-that-choi-that-1101369.html