'Bộ ba kẻ thù' kéo tụt đà tăng trưởng của Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc đang hứng chịu cú sốc từ ba 'kẻ thù' tấn công cùng lúc, kéo tụt đà tăng trưởng của nước này.
Trong một bộ phim tài liệu công chiếu năm 2006 có cảnh Edward Burtynsky, một nhiếp ảnh gia đang xin phép chụp ảnh những núi than Trung Quốc đang chờ vận chuyển ở Thiên Tân.
“Qua ống kính máy ảnh, qua đôi mắt của ông ấy, mọi thứ sẽ hiện ra thật đẹp”, trợ lý của ông Burtynsky cam đoan với người chủ những núi than đang đầy vẻ hoài nghi. Điều đó rốt cuộc không hoàn toàn đúng. Qua ống kính của nhiếp ảnh gia, những núi than có dạng khối hình học sẫm tối, không hẳn đẹp nhưng gây kinh ngạc về độ lớn của chúng.
Theo tạp chí The Economist, nhìn vào bức ảnh trên, thật khó tưởng tượng Trung Quốc một ngày nào đó có thể bị thiếu nguồn nhiên liệu quen thuộc. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, các kim tự tháp đen không còn đủ lớn nữa. Sự khan hiếm than, vốn chiếm gần 2/3 sản lượng điện của Trung Quốc, đã góp phần dẫn đến tình trạng cắt điện tồi tệ nhất tại đại lục trong một thập kỷ. Sau đó, việc mất điện lại ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc đang hứng chịu cú sốc từ 3 kẻ thù tấn công cùng lúc, không chỉ từ tình trạng cắt điện mà còn cả tác động của đại dịch và suy thoái bất động sản đang trầm trọng hơn do các bê bối tài chính của nhà phát triển Evergrande.
Các số liệu được công bố vào ngày 18/10 cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã chậm lại, xuống còn 4,9% trong quý 3/2021 so với một năm trước đó. Sản xuất công nghiệp vào tháng 9 chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn so với bất kỳ tháng nào trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hơn một năm rưỡi sau khi làn sóng Covid-19 đầu tiên xuất hiện, Trung Quốc đang báo cáo tốc độ tăng trưởng thấp chưa từng thấy trước đại dịch.
Căn nguyên của khủng hoảng nhiên liệu
Trước tiên cần xem xét sự suy giảm năng lượng ở Trung Quốc. Nguyên nhân gây thiếu hụt than thuộc 2 loại, một thuộc về cơ cấu và một mang tính ngẫu nhiên. Các sự cố không may bao gồm lũ lụt ở tỉnh Hà Nam vào tháng 7 và ở Sơn Tây trong tháng 10 này, khiến một số mỏ phải đóng cửa. Ngoài ra, tại Nội Mông, nơi chiếm khoảng 1/4 sản lượng than toàn quốc, một cuộc điều tra về tham nhũng dường như đã cản trở hoặc làm nhụt chí một số quan chức trước đây ủng hộ mở rộng khai thác than.
Tỉnh Thiểm Tây, khu vực sản xuất than lớn thứ 3 của Trung Quốc, đã giảm sản lượng để giữ bầu trời thông thoáng hơn cho giải điền kinh quốc gia vào tháng 9. Ngoài ra, việc mở rộng khai thác than cũng bị các thanh tra an toàn hạn chế sau khi họ xem xét kỹ lưỡng 976 mỏ và hơn 100 vụ tai nạn công nghiệp trên toàn quốc vào năm ngoái.
Lý do sâu xa hơn cho cuộc khủng hoảng than là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân gây ra vô số ca tử vong sớm vì ô nhiễm không khí và một phần lớn lượng khí thải các-bon khổng lồ của nước này. Nhà chức trách đã miễn cưỡng phê duyệt các mỏ mới hoặc mở rộng các mỏ hiện có trong những năm gần đây, vì “rõ ràng điều đó đang khiến cỗ xe đi sai hướng", như nhận định của David Fishman thuộc công ty tư vấn năng lượng Lantau Group.
Khi nguồn cung bị thắt chặt, giá cả được tin sẽ tăng lên, buộc các khách hàng phải tiết kiệm hơn trong việc tiêu dùng. Song, khi giá than tăng cao, các nhà máy điện không thể giải quyết phần chi phí cao hơn của họ. Mức giá họ có thể tính cho công ty lưới điện đang mua phần lớn điện năng sản xuất, chỉ có thể dao động tối đa 10% so với mức giá quy định, vốn không thường xuyên thay đổi. Tương tự, biểu giá mà người dùng cuối phải trả dựa trên danh mục giá của các tỉnh cũng không linh hoạt. Một số trạm phát điện đơn giản đã ngưng hoạt động, từ chối phát điện khi bị thua lỗ.
Đại dịch và khủng hoảng bất động sản
Một cú sốc khác đối với nền kinh tế đến từ đại dịch. Sự bùng phát của virus SARS-CoV-2, chẳng hạn như một chùm ca mắc mới ở Nam Kinh vào tháng 7, đã dẫn đến việc phong tỏa cục bộ nghiêm ngặt, làm giảm chi tiêu bán lẻ, đặc biệt đối với các dịch vụ ăn uống và du lịch. Theo chuyên trang du lịch Flight Master, các hãng hàng không đã hoạt động với công suất thấp hơn 1/2 trong tháng 8 và chỉ bằng 2/3 trong tháng 9.
Cú sốc cuối cùng là khủng hoảng bất động sản, lĩnh vực lâu nay vẫn đóng vai trò như động cơ thúc đẩy tăng trưởng, việc làm, động lực và cả sự lo lắng ở Trung Quốc. Các cơ quan quản lý đang cố gắng hạn chế tình trạng đầu cơ các căn hộ cũng như việc vay nợ quá nhiều của các nhà xây dựng. Nỗ lực nhằm hạn chế rủi ro tài chính đó đã làm bộc lộ một số hiểm họa có từ trước.
Evergrande, một nhà phát triển bất động sản lớn với khoản nợ "khủng" 300 tỷ USD, không thể thanh toán đúng hạn trái phiếu USD vào ngày 24/9. Điều tương tự xảy ra ngay sau đó với Fantasia, một nhà phát triển bất động sản nhỏ hơn. Một số người mua nhà hiện lo lắng về việc giao tiền mặt của mình cho bất kỳ chủ đầu tư nào có thể không kinh doanh đủ lâu để hoàn thành các dự án đang rao bán.
Trong bối cảnh đó, các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc hồi tháng 9 năm nay bắt đầu bán số nhà ít hơn 13,5% so với một năm trước đó và doanh số bán hàng của họ, tính theo diện tích sàn, cũng giảm theo tỷ lệ tương ứng.
Như để minh chứng cho tầm quan trọng của thị trường bất động sản đối với nhiều ngành “thời thượng” khác, Trung Quốc cũng báo cáo sản lượng xi măng giảm mạnh (giảm 13% trong tháng 9 so với năm ngoái) và thép (giảm 14,8%).
Trong một cuộc họp báo ngày 15/10, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mô tả Evergrande là "trường hợp đơn lẻ" trong một ngành công nghiệp nhìn chung lành mạnh. Điều đó đáng lẽ đã khiến công chúng yên tâm, ngoại trừ việc các nhà hoạch định chính sách sẽ không ra tay giải cứu lĩnh vực bất động sản cho đến khi họ cảm thấy đủ lo lắng về tình cảnh của thị trường. Sự lo ngại của các cơ quan quản lý do đó có thể là điều kiện cần thiết để giảm bớt sự lo lắng của những công ty xây dựng và các chủ nợ của họ.
Dự báo tăng trưởng
Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng, tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc sẽ còn chậm hơn nữa trong 3 tháng cuối năm nay, xuống còn 4% hoặc thấp hơn. Bắc Kinh sẽ duy trì sự cảnh giác nhằm chống lại Covid-19, trong khi sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản nhiều khả năng tiếp tục kéo dài.
Tuy nhiên, một trong số 3 kẻ thù nói trên ít nhất có thể giảm ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian còn lại của năm. Không giống các nhà phát triển bất động sản, các nhà máy điện của Trung Quốc đã nhận được sự cứu trợ muộn màng từ các cơ quan cấp cao hơn. Các mỏ than ở Nội Mông đã được lệnh mở rộng sản xuất.
Cơ quan hoạch định chính sách chính của đại lục đã thông báo về việc tự do hóa giá cả được mong đợi từ lâu. Động thái sẽ cho phép các nhà máy điện tự do hơn trong việc chuyển chi phí cao hơn cho công ty lưới điện và buộc các khách hàng công nghiệp cũng như thương mại (không bao gồm khách hàng cá nhân như nông dân) phải trả giá điện theo đàm phán trên thị trường, chứ không phải giá điện được quy định sẵn trong danh mục.
Những cải cách này đã được thực hiện trong một thời gian dài, nhưng phải đến một cuộc khủng hoảng điện cấp tính mới giải quyết vấn đề. Ông Fishman lưu ý, các nhà hoạch định chính sách từng có thể ưa thích “việc triển khai các cải cách thị trường chậm, được đo lường trước”. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi "khi đèn bắt đầu tắt trong các nhà máy trên toàn quốc". Đây có thể là thời điểm để Trung Quốc thực sự chuyển mình để khôi phục đà tăng trưởng.