Bộ ba liên minh Mỹ-Nhật-Philippines và thách thức với Trung Quốc

Sự xích lại gần nhau giữa Mỹ-Nhật-Philippines là sự thay đổi quan trọng đối với bối cảnh địa chính trị của Đông Á trong một năm trở lại đây.

Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì cuộc gặp cấp lãnh đạo ba bên đầu tiên giữa Mỹ, Nhật và Philippines tại Nhà Trắng. Trước đó một tháng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã có mặt tại Philippines sau khi tới Hàn Quốc tham dự “Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ”.

Chuyến đi tới Đông Á của ông Blinken và Hội nghị thượng đỉnh Ba bên Mỹ-Nhật-Philippines đã mang đến một chỉ dấu khá thú vị: Trước bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa ngã ngũ và những rắc rối ngày một lớn tại Trung Đông, Mỹ vẫn không “nới lỏng” chiến lược kiềm chế Trung Quốc.

Tuyên bố của Nhà Trắng sau hội nghị thượng đỉnh ba bên "tái khẳng định về mối quan hệ liên minh mạnh mẽ giữa Mỹ, Philippines và Nhật". Các nhà lãnh đạo của ba nước đã thảo luận về “các vấn đề hợp tác ba bên bao gồm tăng trưởng kinh tế, phát triển các công nghệ mới và thúc đẩy xây dựng cơ chế hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như hòa bình và an ninh trên toàn thế giới”.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines ở Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 11-4. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines ở Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 11-4. Ảnh: AFP

Dù không đề cập Trung Quốc, mục đích thực sự của hội nghị thượng đỉnh này dễ nhìn thấy, đó là thúc đẩy hoàn thiện cấu trúc hợp tác an ninh Mỹ-Nhật-Philippines từ trên xuống dưới, định hình lại chiến lược “ngăn chặn chuỗi đảo của Trung Quốc” và duy trì sức mạnh tại khu vực "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Liên minh phòng thủ ba bên Mỹ-Nhật-Philippines

Sự xích lại gần nhau giữa Mỹ, Nhật và Philippines là một sự thay đổi quan trọng đối với bối cảnh địa chính trị của Đông Á trong một năm trở lại đây. Ba nước đã duy trì các chuyến thăm con thoi ở các cấp nguyên thủ quốc gia, ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng kể từ khi “Đối thoại Chính sách Quốc phòng” giữa ba bên được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 9-2022.

Bên cạnh đó, sự hợp tác quốc phòng và an ninh giữa ba bên tiếp tục nóng lên. Vào đầu năm ngoái, Philippines đã mở bốn căn cứ quân sự mới cho Mỹ và ban hành “Hướng dẫn phòng thủ song phương”. Quân đội Mỹ cũng đã tăng tốc triển khai các lực lượng quân sự ở Philippines.

Mỹ và Nhật cũng hỗ trợ Philippines tăng cường năng lực cảnh báo và giám sát tại các vùng biển xung quanh. Nhật đã cung cấp cho Philippines radar phòng không và các thiết bị khác, đánh dấu sự triển khai lần đầu tiên của các hệ thống quân sự do Nhật sản xuất.

Trong tương lai, dưới các cơ chế thảo luận tại các phiên họp cấp bộ trưởng theo hình thức "2+2", Mỹ, Nhật và Philippines sẽ tiếp tục nâng cao mức độ hợp tác an ninh-quốc phòng với các hoạt động cụ thể. Những hoạt động này có thể bao gồm tập trận chung trên biển và trên không, chia sẻ thông tin tình báo, thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí- khí tài, hỗ trợ xây dựng các căn cứ quân sự và nâng cao năng lực của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Ba nước cũng đang tìm cách ký kết một thỏa thuận an ninh và phòng thủ ba bên, nhằm hướng tới thiết lập một liên minh an ninh giữa ba nước.

Trong bối cảnh đầy căng thẳng trong khu vực, hội nghị thượng đỉnh ba bên lần này có thể nói là một “kết quả tất nhiên”. Thời điểm tổ chức hội nghị cũng phản ánh đặc điểm “Mỹ dựng sân khấu, Nhật lên sân khấu, Philippines hát opera”.

Điều này thể hiện sự quyết tâm của chính quyền Tổng thống Biden trong việc duy trì vị thế của Mỹ trong khu vực. Mặc dù đang phải đối mặt áp lực bầu cử trong nước và bị phân tâm bởi hai cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, Mỹ không có ý định buông lỏng chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

 Mỹ-Nhật-Philippines ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh-quốc phòng. Ảnh: PHILSTAR

Mỹ-Nhật-Philippines ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh-quốc phòng. Ảnh: PHILSTAR

Tại Nhật, tỉ lệ ủng hộ đối với chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đã giảm xuống “mức từ chức” là 20%. Chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ của ông Kishida vào tháng 4 được nhìn nhận như là chiếc “phao cứu sinh” đối với chính phủ của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.

Ở Philippines, chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. thì xem hội nghị thượng đỉnh ba bên là cơ hội để tìm kiếm thêm sự trợ giúp từ Mỹ và Nhật giữa lúc cuộc đối đầu với Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để Manila nâng tầm hình ảnh khi “sánh bước ngang hàng” cùng hai cường quốc trong khu vực, cũng như thúc đẩy phát triển mối quan hệ ý nghĩa và có chiều sâu thực sự.

Hình thành hệ thống “mỏ neo” tại khu vực

Cho dù Mỹ, Nhật và Philippines có dùng mỹ từ nào để biện minh về mục đích cho sự tăng cường hợp tác, thì mục tiêu thực sự của ba nước này vẫn là Trung Quốc. Với trọng tâm nghiên cứu vẫn tập trung trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, bộ ba đã cho thấy ý định chiến lược của họ là “khuấy động Biển Đông, tỏa ra eo biển Đài Loan, kiểm soát và cân bằng Trung Quốc”.

Chính quyền của ông Biden muốn sử dụng Nhật và Philippines để hoàn thiện bố cục “liên minh kiềm chế Trung Quốc” tại châu Á-Thái Bình Dương. Hệ thống này gồm “mỏ neo phía bắc” với trọng tâm là “tam giác sắt” Mỹ, Nhật và Hàn Quốc vào năm ngoái, cho đến "mỏ neo trung tâm" với trụ cột là hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật và Philippines lần này, kết hợp cùng "mỏ neo phía nam" với nền tảng dựa trên sự hợp tác sẵn có giữa Mỹ, Nhật và Úc. Có thể nói, hệ thống liên minh của Mỹ tạo nên "vòng kim cô nhằm kiềm tỏa Trung Quốc".

Bên cạnh đó, Mỹ có thể dựa vào một loạt hợp tác "tiểu đa phương" để xây dựng một chiến lược địa chính trị phức tạp và có hệ thống nhằm kiềm chế Trung Quốc. Philippines nằm ở trung tâm địa chiến lược của châu Á-Thái Bình Dương. Nước này cũng là điểm tựa chiến lược quan trọng để Mỹ và Nhật thúc đẩy hiện thực hóa “liên kết ba biển” gồm Biển Hoa Đông, Biển Đông và Ấn Độ Dương và tiến tới triển khai vành đai hợp tác an ninh, quân sự.

Ngoài an ninh-quân sự, việc thúc đẩy hợp tác trong các công nghệ mới nổi cũng như chuỗi sản xuất và cung ứng giữa Mỹ, Nhật và Philippines cũng bộc lộ nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy chiến thuật “sân nhỏ tường cao” cũng như “tách rời và ngắt kết nối” nhằm hạn chế sức mạnh của Trung Quốc.

Dù vậy, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, tính bền vững của các liên minh này vẫn còn là một ẩn số, đặc biệt nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - một người vốn thất thường - quay trở lại Nhà Trắng. Trước thực tế này, Tổng thống Biden có thể sẽ thấy cần “tăng tốc” nhằm ở một mức độ nào đó, thể chế hóa các cơ chế này nhằm hạn chế sự “xáo trộn” đối với các liên minh này nếu ông Trump quay lại.

Và ở “phía bên kia chiến tuyến”, liệu Trung Quốc sẽ đưa ra những phản ứng như thế nào nhằm đối phó lại với những “mỏ neo” của Mỹ? Nhưng một điều có thể chắc chắn rằng, với những diễn biến hiện tại, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày càng phức tạp với những diễn biến khó đoán định.

TS. NGUYỄN TĂNG NGHỊ - BẢO LONG (NHÓM NGHIÊN CỨU KHOA QHQT, TRƯỜNG ĐH KHXH&NV TP. HCM)

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-ba-lien-minh-my-nhat-philippines-va-thach-thuc-voi-trung-quoc-post791041.html