Thế giới cần sẵn sàng đối phó với đại dịch có thể xảy ra

Đại dịch tiếp theo sẽ xảy ra và vấn đề là khi nào chứ không phải có xảy ra hay không. Chính vì thế, thế giới cần luôn sẵn sàng đối phó, tránh để xảy ra những thảm họa như đại dịch Covid-19.

Cần phải quan tâm để các nước nghèo có thể tiếp cận vaccine trong đại dịch

Cần phải quan tâm để các nước nghèo có thể tiếp cận vaccine trong đại dịch

“Bệnh X” có thể gây ra đại dịch toàn cầu tiếp theo

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa lên tiếng cảnh báo đại dịch tiếp theo chắc chắn sẽ xảy ra, trong bối cảnh các nước thành viên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Vào ngày cuối của kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 77 diễn ra hôm 1-6, WHA đã đồng ý gia hạn việc đạt thỏa thuận đến cuộc họp năm sau.

Trong suốt 2 năm, 194 quốc gia thành viên của WHO đã đàm phán nhằm xây dựng một khuôn khổ ràng buộc để quốc tế phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với các đại dịch. Nỗ lực được thúc đẩy sau khi đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, tàn phá nền kinh tế và làm tê liệt hệ thống y tế trên toàn thế giới. WHO ban đầu hướng tới việc đạt được một thỏa thuận trong tuần trước nhưng đã không thành công do sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước giàu và nghèo về các vấn đề như chia sẻ vaccine và các biện pháp ứng phó.

Trước đó, tờ The Guardian ngày 20-4 dẫn khảo sát do chuyên gia Jon Salmanton-Garcia tại Đại học Cologne (Đức) tiến hành, liên quan đến 187 nhà khoa học cấp cao. Kết quả cho thấy các nhà khoa học cho rằng, cúm là mầm bệnh nhiều khả năng gây một đại dịch chết chóc mới trong tương lai gần. Ông Salmanton-Garcia cho biết: “Cúm vẫn tồn tại ở mức độ rất lớn, là mối đe dọa số một về khả năng gây đại dịch trong mắt phần lớn các nhà khoa học thế giới. Mỗi mùa đông cúm lại xuất hiện. Bạn có thể mô tả những đợt bùng phát này như những đợt dịch nhỏ. Chúng ít nhiều được kiểm soát vì các chủng khác nhau không đủ độc tính, nhưng điều đó không nhất thiết sẽ mãi như vậy”. Thế giới đã từng trải qua nhiều đại dịch cúm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có thảm họa dịch cúm Tây Ban Nha vốn cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người trên thế giới hồi năm 1918. Kể từ đó, đã có 3 đại dịch cúm xảy ra, lần lượt vào các năm 1957, 1968 và 2009, khi đại dịch cúm lợn H1N1 khiến 18.500 người tử vong tại 214 quốc gia.

Kết quả khảo sát còn cho thấy 21% các nhà khoa học tin rằng, đại dịch tiếp theo sẽ do một loại vi sinh vật chưa được xác định xuất hiện bất ngờ, giống như virus SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra bệnh Covid-19 bắt đầu lây nhiễm sang người vào năm 2019. Các nhà khoa học gọi đó là virus gây “bệnh X” mà con người vẫn chưa biết đến.Với các vi sinh vật gây chết người khác, chẳng hạn như virus Lassa, Nipah, Ebola và Zika, chỉ có 1% đến 2% số các nhà khoa học đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng toàn cầu.

Các nhà khoa học còn cảnh báo virus “thây ma” (zombia) có thể được giải phóng và hồi sinh do hiện tượng băng tan, biến thành đại dịch bí hiểm cho thế giới. Lớp băng vĩnh cửu bao phủ 1/5 bán cầu bắc, che phủ mặt đất trong nhiệt độ dưới 0 độ C hàng trăm nghìn năm qua, tạo ra môi trường lạnh, thiếu ánh sáng và thiếu oxy. Đây là điều kiện hoàn hảo để bảo quản vật liệu sinh học. Các nhà khoa học tin rằng, tầng sâu nhất của lớp băng vĩnh cửu ẩn chứa các chủng virus hàng triệu năm tuổi, trong khi loài người được cho là chỉ mới xuất hiện khoảng 300.000 năm trước. Tuy nhiên, do hiện tượng nóng lên toàn cầu, các tầng băng tại Canada, Siberia hay Alaska đều đang tan chảy, gây mất cân bằng môi trường Bắc Cực, khu vực được đánh giá có nhiệt độ tăng nhanh gấp nhiều lần tốc độ trung bình của thế giới. Băng tan ở Bắc Cực sẽ giải phóng nhiều vi sinh vật con người chưa từng tiếp xúc. Hệ thống miễn dịch của con người vì thế chưa thể chống chọi được, gây ra quan ngại về viễn cảnh virus bí hiểm lây lan cho loài người, làm bùng phát tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu mới.

Nỗ lực bảo vệ thế giới và người dân khỏi nguy cơ đại dịch

Trong bối cảnh đó, việc đạt được một thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai là điều cấp thiết. Dự thảo thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai hướng đến chia sẻ dữ liệu về các chủng vi khuẩn, virus hoặc tác nhân có khả năng gây ra đại dịch, đồng thời bảo đảm rằng, tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi một cách công bằng từ việc nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị và phương pháp xét nghiệm; cho phép phản ứng nhanh hơn, tốt hơn và hợp tác thuận lợi trước bất kỳ một cuộc khủng hoảng y tế nào trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc đã xuất hiện trong quá trình thảo luận. Trước hết là Luật Sở hữu trí tuệ và khả năng chia sẻ bằng sáng chế giữa các nước phát minh ra vaccine và phương pháp điều trị với các quốc gia khác. Ông Roland Driece, thành viên ban đàm phán thỏa thuận của WHO, thừa nhận các nước không thể đưa ra dự thảo vì vẫn còn sự khác biệt lớn trong việc chia sẻ thông tin về các mầm bệnh và công nghệ để phòng chống. Mới đây, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ đã viết thư cho Tổng thống Joe Biden bày tỏ quan điểm không đồng tình với nội dung dự thảo hiệp ước, tập trung vào các vấn đề như “cắt bỏ quyền sở hữu trí tuệ” và “tăng cường cho WHO”. Còn Bộ Y tế Anh cho biết, London sẽ chỉ đồng ý một thỏa thuận nếu tuân thủ lợi ích và chủ quyền quốc gia của Anh.

Trong khi đó, nhiều nước đang phát triển cho rằng, thật không công bằng khi họ có thể phải cung cấp các mẫu virus để giúp phát triển vaccine và phương pháp điều trị nhưng sau đó lại không đủ khả năng chi trả cho những vaccine này... Ông Wiku, Đại diện phái đoàn quan chức y tế Indonesia tham gia kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 77, cho biết: “Các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc tiếp cận trang thiết bị y tế, vaccine và thuốc men”. Một tranh cãi nữa là điều khoản quy định các quốc gia thành viên công nhận WHO là cơ quan hướng dẫn và điều phối hoạt động ứng phó y tế cộng đồng ở phạm vi quốc tế và cam kết tuân theo các chỉ thị của WHO trong trường hợp khẩn cấp về y tế. Nhiều tổ chức cho rằng, việc trao cho WHO thẩm quyền này vượt lên trên chủ quyền quốc gia và có thể vi phạm nhân quyền. Chẳng hạn như quy định bắt buộc đeo khẩu trang và tiêm vaccine từng được nhiều nước áp dụng theo yêu cầu của WHO. Hiện cũng chưa đạt được đồng thuận về việc liệu có nên yêu cầu các hãng dược phẩm cung cấp 10% sản phẩm miễn phí và 10% sản phẩm với giá phi lợi nhuận cho WHO để phân phối trên toàn cầu.

Dù chưa đạt được sự đồng thuận nhưng việc các nước thống nhất gia hạn đạt thỏa thuận đến cuộc họp năm sau có thể coi là “quyết định lịch sử”, thể hiện mong muốn chung của các nước về việc bảo vệ người dân, bảo vệ thế giới khỏi nguy cơ các đại dịch tương lai, cũng như những tình trạng y tế khẩn cấp. Để tránh gây nhiều tranh cãi, các nhà đàm phán đang nghiêng về xu hướng xây dựng dự thảo mới chỉ tập trung vào việc thiết lập khung cơ bản, dịch chuyển thời gian bàn bạc chi tiết sang các cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra vào năm 2026, trong đó có cách thức vận hành Hệ thống chia sẻ lợi ích và quyền tiếp cận mầm bệnh (PABS).

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/the-gioi-can-san-sang-doi-pho-voi-dai-dich-co-the-xay-ra-post578333.antd