Bỏ bằng tốt nghiệp THCS: Không ảnh hưởng tới quyền lợi học sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) khẳng định, việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS không ảnh hưởng đến quyền và cơ hội học tập của người học. Điều chỉnh này vẫn bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý cho người học chuyển cấp, học nghề hoặc học tiếp theo nguyện vọng.

Phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp

Bộ GDĐT đang lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Thời gian lấy ý kiến cho dự luật từ nay tới hết ngày 9/7/2025.

Trong đó, về sửa đổi quy định về văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GDĐT đề xuất sửa theo hướng bỏ bằng tốt nghiệp THCS và giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THCS/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THCS xác nhận hoàn thành chương trình THCS thay cho việc trưởng phòng GDĐT cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS.

Thí sinh dự thi lớp 10 công lập tại Hà Nội năm học 2024-2025. Ảnh: Lê Khánh.

Thí sinh dự thi lớp 10 công lập tại Hà Nội năm học 2024-2025. Ảnh: Lê Khánh.

Lý giải về điều chỉnh này, Bộ GDĐT cho biết, việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS và phân cấp thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là yêu cầu tất yếu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng thực tiễn quản lý giáo dục và tiệm cận thông lệ quốc tế.

Điều chỉnh này thể chế hóa kịp thời chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW và Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị. Việc trao quyền cho người đứng đầu cơ sở giáo dục trong xác nhận, cấp bằng là bước đi cụ thể trong phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý và cơ sở thực thi.

Bên cạnh đó, điều chỉnh này phù hợp với xu thế quản trị hiện đại, tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực điều hành, góp phần xóa bỏ khâu trung gian hành chính không cần thiết, rút ngắn quy trình, giảm áp lực cho cơ quan quản lý cấp huyện và tỉnh, đồng thời tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của các nhà trường.

Điều chỉnh này cũng phù hợp với bản chất của phổ cập giáo dục THCS là chính sách xã hội, không phải là hệ thống đào tạo có đầu ra bằng cấp. Việc xác nhận hoàn thành chương trình học là đủ để phục vụ phân luồng, chuyển cấp, không cần thiết duy trì cơ chế cấp bằng hành chính.

Bộ GDĐT cũng cho biết, điều chỉnh này tiệm cận thông lệ quốc tế, tạo điều kiện hội nhập. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Phần Lan, Canada không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà giao quyền xác nhận kết quả học tập cho hiệu trưởng, sử dụng như căn cứ học tiếp lên bậc cao hơn hoặc định hướng nghề nghiệp.

“Việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS không ảnh hưởng đến quyền và cơ hội học tập của người học. Việc thay thế cấp bằng bằng xác nhận hoàn thành chương trình vẫn bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý cho người học chuyển cấp, học nghề hoặc học tiếp theo nguyện vọng”, Bộ GDĐT khẳng định.

Phân loại rõ trình độ đào tạo và tăng cường tính mở, liên thông

Điểm mới nữa trong dự thảo Luật là xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học, gồm 2 bậc: trung học nghề và cao đẳng. Trong cấp học này, người học được đào tạo ở ba trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Cụ thể, trung học nghề dành cho học sinh sau THCS, tích hợp kiến thức văn hóa phổ thông nền tảng và kỹ năng nghề, hướng tới đạt trình độ sơ cấp hoặc trung cấp; cao đẳng dành cho người học sau THPT hoặc tương đương, đào tạo ở trình độ cao đẳng.

Bộ GDĐT cho biết, cách thiết kế này bảo đảm cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng phân rõ cấp học, phân loại rõ trình độ đào tạo và tăng cường tính mở, liên thông, phù hợp với Khung trình độ quốc gia và thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, Bộ GDĐT đề xuất phổ cập giáo dục mầm non từ 3 tuổi, bỏ Hội đồng trường (HĐT) ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Theo Bộ GDĐT, nhiều địa phương đã phản ánh thực trạng HĐT ở các trường mầm non và phổ thông công lập hoạt động hình thức, thiếu thực quyền, trùng vai và không tạo ra giá trị quản trị thực chất. Việc duy trì HĐT trong bối cảnh đó không những không mang lại hiệu quả mà còn tăng gánh nặng hành chính.

Vì vậy, trên tinh thần tinh giản tổ chức và tăng tính tự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng đối với trường công lập, Bộ GDĐT cho rằng, việc bỏ quy định HĐT ở trường mầm non, phổ thông công lập là một bước đi cần thiết nhằm làm gọn bộ máy, tăng hiệu lực thực thi, và tạo điều kiện để đổi mới thực chất hoạt động nhà trường dựa trên các thiết chế dân chủ sẵn có như cấp ủy, công đoàn, ban đại diện cha mẹ học sinh, hội đồng sư phạm...

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều quy định có liên quan đến thủ tục hành chính. Bộ GDĐT đặt trọng tâm cắt giảm, đơn giản hóa trên 50% các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người học, cơ sở giáo dục và nhà đầu tư. Các quy định được sửa đổi, bổ sung dự kiến có tác động trực tiếp đến 69 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ GDĐT.

Bộ GDĐT cho biết những điều chỉnh nêu trên sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm thiểu chi phí và hồ sơ giấy tờ cho người học và nhà đầu tư; tạo thuận lợi cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục; tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, giảm nguy cơ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bo-bang-tot-nghiep-thcs-khong-anh-huong-toi-quyen-loi-hoc-sinh-10305661.html