Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số cho cơ sở GD: Thước đo chung năng lực số

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức chuyển đổi số đối với cơ sở giáo dục, phòng GD&ĐT.

Khi học sinh dần thích nghi với học tập số sẽ thuận lợi cho việc triển khai các mô hình học tập mới. Ảnh: INT

Khi học sinh dần thích nghi với học tập số sẽ thuận lợi cho việc triển khai các mô hình học tập mới. Ảnh: INT

Bộ chỉ số này được áp dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương trên phạm vi toàn quốc.

Chuyển từ định tính sang định lượng

Cấu trúc của Bộ chỉ số gồm 2 nhóm tiêu chí thành phần: Nhóm tiêu chí chuyển đổi số trong: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; kết quả chuyển đổi số ở cơ sở giáo dục. Mức độ chuyển đổi số đối với các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương được đánh giá theo thang điểm tối đa là 100 điểm; kết quả được đánh giá ở 3 mức độ: Chưa đáp ứng, đáp ứng cơ bản và đáp ứng tốt.

Ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết: “Những tiêu chí trong bộ chỉ số này ngành Giáo dục đã và đang triển khai nên không có gì quá mới và khó khăn. Bộ tiêu chí đã hệ thống lại các đầu việc liên quan đến công tác chuyển đổi số thực hiện ở các trường học và phòng GD&ĐT.

Ngoài ra, có quy định mức điểm nên mang tính định lượng, có thước đo chung để đánh giá, so sánh trong phạm vi toàn quốc chứ không chỉ dừng lại ở liệt kê các đầu việc như trước đây trong báo cáo về chuyển đổi số”.

Cùng quan điểm, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng, trong thực hiện chuyển đổi số, có những khó khăn khách quan khiến các cơ sở giáo dục bị trừ điểm.

“Đầu năm học này, chúng tôi tiếp nhận một học sinh chuyển trường từ Tây Nguyên vào lớp 3. Thế nhưng, khi sử dụng mã định danh của học sinh để cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu trường cũ thì mới có thông tin của một học kỳ lớp 2. Trong khi học bạ đi kèm khi chuyển trường đã hoàn thành lớp 2.

Như vậy, buộc nhà trường phải tiến hành mọi công việc liên quan đến thủ tục, hồ sơ một cách thủ công chứ không thể làm hồ sơ điện tử. Nếu tính theo các tiêu chí thì chúng tôi sẽ bị trừ điểm trong trường hợp này”, cô Nguyệt ví dụ.

Dù Phòng GD&ĐT Tam Kỳ (Quảng Nam) đã thực hiện tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đối với học sinh lớp 1 và lớp 6 từ 3 năm nay, nhưng vẫn phát sinh nhiều tình huống từ phía phụ huynh.

Như năm 2024, dù đã quy định trẻ không có tên trong danh sách phổ cập giáo dục năm 2023 thì phụ huynh không đăng ký hồ sơ trực tuyến. Thế nhưng, khá nhiều người dù trẻ không có tên trong danh sách vẫn vào phần mềm tuyển sinh trực tuyến để tạo hồ sơ đăng ký tuyển sinh. Việc này khiến các trường mất nhiều thời gian để rà soát, đối chiếu vì phụ huynh vẫn tạo hồ sơ thành công.

Trong khi đó, ở Đà Nẵng, nhiều phụ huynh có tâm lý muốn đến trường để nộp hồ sơ trực tiếp cho yên tâm. Đây là những vướng mắc khách quan nhưng cơ sở dễ bị trừ điểm khi đối chiếu với tiêu chuẩn trong Bộ chỉ số đánh giá mức chuyển đổi số.

 Giờ học với chủ đề Công dân số tại phòng Tin học của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Giờ học với chủ đề Công dân số tại phòng Tin học của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

“Cú hích” thúc đẩy chuyển đổi số

Ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết, các trường học có sự thay đổi rõ nét về việc triển khai sử dụng giải pháp kết nối, trao đổi thông tin trong công tác quản lý cũng như dạy và học. Trong 6 tháng đầu năm 2024, phòng đã thực hiện việc ký số học bạ, sổ theo dõi và đánh giá học sinh, bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục cho các trường tiểu học, THCS.

Đối với các trường học sử dụng phần mềm quản lý điểm, quản lý trường học của các nhà cung cấp dịch vụ khác hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT mở rộng thì nhà trường rà soát, kiểm tra và chịu trách nhiệm kết quả đồng bộ dữ liệu; yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ đồng bộ chính xác, đầy đủ các thông tin để phục vụ công tác quản lý, khai thác, sử dụng, nhất là dữ liệu đủ để làm học bạ, sổ theo dõi và đánh giá để ký số điện tử trên phần mềm cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT mở rộng, dữ liệu phục vụ công tác xét tốt nghiệp, tuyển sinh đầu cấp.

Đến nay, 100% học sinh trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Hòa Vang có mã định danh cá nhân; 100% các trường tiểu học, THCS triển khai sổ điểm, sổ theo dõi và đánh giá điện tử, thí điểm học bạ điện tử; 100% trường tiểu học, THCS triển khai giải pháp kết nối, trao đổi thông tin với phụ huynh qua hình thức tin nhắn hoặc email, website, ứng dụng di động (Zalo, Messenger).

Phòng GD&ĐT Hòa Vang đặt mục tiêu đến năm 2025, các hoạt động tương tác, trải nghiệm trực tuyến hỗ trợ hiệu quả cho giáo dục nhà trường đạt 10% thời lượng đối với giáo dục tiểu học, 20% đối với giáo dục THCS; 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số; 70% hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số, 70% hồ sơ giấy được cắt giảm.

Đối với ngành Giáo dục huyện Mường Khương (Lào Cai), ông Nguyễn Văn Vinh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Hiện, 100% cán bộ, văn thư có tài khoản quản lý văn bản và điều hành; 100% cán bộ, văn thư được cấp thiết bị chứng thư số; 54/54 đơn vị trường có hệ thống Internet phục vụ chuyển đổi số. Ngành cũng triển khai nhân rộng, thành lập các tổ giúp việc công nghệ thông tin chuyển đổi số tại phòng GD&ĐT và trường học trên địa bàn huyện.

Theo ông Vinh, Bộ chỉ số đánh giá về chuyển đổi số trong giáo dục là thước đo để phòng GD&ĐT, các trường có định hướng để đầu tư, thúc đẩy phát triển giáo dục. Việc đánh giá cụ thể các chỉ số, đầu tư bổ sung cho thực hiện chuyển đổi số hiệu quả sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho người học.

Từ các tiêu chí của Bộ chỉ số, theo ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn), các đơn vị phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý cũng như giảng dạy, cụ thể:

Các nền tảng như CSDL ngành Giáo dục, sổ điểm điện tử, hệ thống học tập trực tuyến (LMS) đã được triển khai đồng bộ. Giáo viên phải thay đổi, ứng dụng công nghệ vào soạn bài giảng điện tử, sử dụng phần mềm quản lý học tập, học trực tuyến. Học sinh dần thích nghi với học tập số tạo thuận lợi cho việc triển khai các mô hình học tập mới.

“Bộ chỉ số cung cấp một khung tham chiếu rõ ràng, giúp ngành Giáo dục các địa phương dễ dàng xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế.

Áp dụng bộ chỉ số giúp Lạng Sơn hòa nhập và nhất quán với chiến lược chuyển đổi số của ngành GD-ĐT trên toàn quốc; đánh giá chính xác mức độ chuyển đổi số trong các lĩnh vực như quản lý, dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin và kỹ năng số của cán bộ, giáo viên, học sinh. Nhờ việc đánh giá có hệ thống, ngành GD-ĐT tỉnh có thể nhận diện được các lĩnh vực còn yếu để tập trung cải thiện”. - Ông Đặng Hồng Cường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn

Hà Nguyên - Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bo-chi-so-danh-gia-muc-do-chuyen-doi-so-cho-co-so-gd-thuoc-do-chung-nang-luc-so-post713003.html