Bộ chỉ số DDCI: Cơ sở để đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp với chính quyền
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) được áp dụng linh hoạt, dần đi vào quy củ, phù hợp với thực tiễn môi trường kinh doanh của tỉnh, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện khảo sát. Các thông tin thu thập được chính là chỉ dẫn tin cậy để tỉnh đưa ra những chương trình hành động thiết thực, sát, trúng, đúng với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Đổi mới hình thức khảo sát
Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương là kênh thông tin khách quan, phản ánh trung thực đánh giá của doanh nghiệp, người dân về công tác điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền địa phương; thái độ, trách nhiệm, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp Ninh Bình thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng tham mưu, điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực.
Việc triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương năm nay có nhiều điểm mới, là năm đầu tiên tỉnh triển khai khảo sát theo hình thức trực tuyến, nhận được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng doanh nghiệp (tỷ lệ phản hồi là 50,87%). Công tác điều tra, khảo sát do Nhà thầu phối hợp với Bưu điện tỉnh Ninh Bình thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ giúp việc DDCI.
Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh, đại diện nhà thầu triển khai dự án cho biết: Nhà thầu tiến hành sàng lọc, chọn mẫu, xác thực thông tin về 3.100 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang hoạt động, sản xuất kinh doanh hoặc đang triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh theo phương pháp chọn mẫu phân tầng ngẫu nhiên, sử dụng phân tầng về loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chính, địa bàn hoạt động tại huyện/thành phố theo phương pháp điều tra PCI.
Cơ cấu đối tượng khảo sát theo địa bàn, loại hình về cơ bản phù hợp với cơ cấu của tổng thể doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể, vì vậy đảm bảo tính đại diện cao cho khu vực sản xuất, kinh doanh của tỉnh. Trong đó, loại hình đăng ký kinh doanh, nhóm đối tượng tham gia khảo sát chiếm đa số là doanh nghiệp, trong đó công ty TNHH chiếm 64,61%, công ty cổ phần chiếm 13,27%, doanh nghiệp tư nhân chiếm 7,39%, các hộ kinh doanh cá thể chiếm 12,08%. Những người tham gia khảo sát đều là giám đốc công ty hoặc là lãnh đạo cấp phòng trực tiếp phụ trách thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính (TTHC) của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước, là những người nắm chắc các hoạt động của đơn vị mình, cơ bản nắm được các TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh của đơn vị mình, do đó việc trả lời các câu hỏi phỏng vấn tương đối thuận lợi, phản ánh đúng tình hình thực tế.
Theo đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, kết quả khảo sát, lấy ý kiến được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch; là căn cứ để các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý của doanh nghiệp, từ đó tiếp tục phát huy những mặt đã làm được, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Ninh Bình trong những năm tiếp theo.
Tích cực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Sau 3 năm triển khai thực hiện, việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương có tác động rất lớn tới ý thức của từng cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc tự xem xét, soi lại chất lượng thực hiện các nhiệm vụ hành chính có liên quan đến doanh nghiệp. Đây là kênh nhìn nhận, cảm nhận của doanh nghiệp về sự điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương, vì vậy nếu biết chắt lọc và nhìn nhận đúng bản chất giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị. Do đó, công tác cải cách hành chính của Ninh Bình đã có bước tiến mạnh mẽ.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 của tỉnh xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 25; chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 20. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 44/63, tăng 14 bậc so với năm 2021.
Chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tếxã hội nói chung và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Vì vậy, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục nêu cao hơn nữa tinh thần chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ để các doanh nghiệp yên tâm, phấn khởi sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị mới, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, tăng cường phối hợp, rà soát lại các tiêu chí, chủ động khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Ninh Bình, qua đó góp phần tích cực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Để làm được điều này, các cấp, ngành trong tỉnh cần thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh Bộ chỉ số DDCI sát những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, không tránh né những vấn đề nhạy cảm, cầu thị và lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, bám sát chỉ số PCI và các chỉ số PAPI, SIPAS, PAR Index, đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và nghiên cứu, điều chỉnh cơ cấu phiếu khảo sát nhằm nâng cao tỷ lệ phiếu thu về hợp lệ theo hướng giảm tỷ lệ phiếu khảo sát gián tiếp qua thư tín, tăng tỷ lệ phiếu khảo sát trực tuyến. Đồng thời, thực hiện rà soát, xây dựng mẫu phiếu với nội dung câu hỏi ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ trả lời.
Cùng với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội Doanh nghiệp các huyện, thành phố, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu được vai trò, ý nghĩa và tích cực tham gia khảo sát, trả lời phiếu đánh giá trong Bộ chỉ số DDCI. Chủ động nghiên cứu có giải pháp phù hợp để tuyên truyền hỗ trợ kiến thức pháp luật cho các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn. Đồng thời tăng cường phối hợp, rà soát lại các tiêu chí, chủ động khắc phục những vấn đề đang là tồn tại, hạn chế, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Ninh Bình, qua đó góp phần tích cực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm