Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương: Công cụ hữu hiệu trong quản lý, điều hành
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Đây là căn cứ để các địa phương xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó khẳng định nước ta phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Tuy nhiên, thực tế chưa có các mô tả định lượng để giúp hình dung và cụ thể hóa thành mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Do đó, cần thiết phải có một bộ chỉ số mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Qua đó, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn về điểm mạnh, yếu, về các yếu tố tiềm năng, điều kiện cần, giúp các nhà hoạch định chính sách cùng các cấp lãnh đạo có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.
Năm 2023, lần đầu tiên, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) được Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng trên toàn quốc. PII được xây dựng bám sát cấu trúc của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hằng năm và được Chính phủ sử dụng trong quản lý, điều hành từ năm 2017. Các số liệu được thu thập từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác (Cải cách hành chính, Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chuyển đổi số, Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh).
Ở lần xếp hạng đầu tiên, trong 10 địa phương dẫn đầu có 5 thành phố trực thuộc Trung ương là: Hà Nội (xếp hạng 1), thành phố Hồ Chí Minh (hạng 2), Hải Phòng (hạng 3), Đà Nẵng (hạng 4), Cần Thơ (hạng 5) và 5 địa phương có công nghiệp phát triển nhất là: Bắc Ninh (hạng 6), Bà Rịa - Vũng Tàu (hạng 7), Bình Dương (hạng 8), Quảng Ninh (hạng 9), Thái Nguyên (hạng 10).
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, kết quả đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia hay mỗi địa phương là tổng hòa từ nhiều yếu tố có tính chất khác nhau. Việc so sánh trực tiếp giữa các địa phương chỉ mang tính tương đối, không phải mục đích chính của PII, bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau. Ví dụ, các địa phương ở vùng miền núi sẽ có các điều kiện, đặc điểm khác với địa phương ở vùng đồng bằng hay ở vùng duyên hải. Có địa phương có điều kiện thuận lợi và định hướng để phát triển nông nghiệp, nhưng địa phương khác lại có điều kiện và định hướng phát triển dịch vụ - du lịch hay phát triển công nghiệp...
“Từ thành công của PII 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn, các tỉnh, thành phố có điều chỉnh, nhận thức nhằm phát huy thực sự bộ chỉ số trở thành công cụ hữu hiệu trong quản lý, điều hành cho địa phương mình”, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh.
Tạo thuận lợi cho các địa phương
Ngày 24-7-2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1705/QĐ-BKHCN phê duyệt khung chỉ số PII năm 2024. Theo đó, PII 2024 vẫn giữ đánh giá, điểm số và xếp hạng theo 52 chỉ số, song được thay đổi cách tính toán chỉ số thành phần, nguồn thu thập dữ liệu để thuận lợi cho các địa phương.
Cụ thể, khung chỉ số PII năm 2024 có 7 trụ cột, bao gồm 5 trụ cột đầu vào (thể chế; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp) và 2 trụ cột đầu ra (sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tính tác động).
Theo ông Nguyễn Võ Hưng, chuyên gia của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, ở trụ cột thể chế, liên quan đến việc ban hành và thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được bổ sung thêm lĩnh vực chính sách phát triển văn hóa, nghệ thuật và du lịch. Ở trụ cột nguồn nhân lực và nghiên cứu, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng có thay đổi bằng cách tính điểm trung bình 5 môn thi, bổ sung thêm lĩnh vực nhân văn bên cạnh kỹ thuật, khoa học...
PII 2024 cũng tìm các chỉ số mới trong cách đánh giá để phù hợp thực tiễn và xu hướng phát triển như: Hạ tầng chung, quản trị môi trường, trình độ phát triển doanh nghiệp... “Bộ chỉ số cũng điều chỉnh liên quan đến số đơn đăng ký và chỉ dẫn địa lý bằng việc xem xét cả số đơn đã nộp thay vì chỉ lấy số lượng đơn đã cấp”, ông Nguyễn Võ Hưng cho biết.
Để giúp các địa phương khai thác hiệu quả bộ chỉ số này, mới đây, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã tổ chức hội thảo cung cấp thông tin, giải thích nội hàm, ý nghĩa của khung chỉ số và của từng chỉ số để có các giải pháp cải thiện phù hợp, trên cơ sở đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khoa học, công nghệ trong đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương và đất nước.