Bộ Chính trị kết luận về Quy hoạch Thủ đô: Tạo cơ hội mới - giá trị mới cho Hà Nội
Ngày 24-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường ký ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo đó, xem xét tờ trình, báo cáo của Thành ủy Hà Nội và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh một số nội dung cần lưu ý.
Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược
Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ, quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia. Quy hoạch Thủ đô cần có “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” trong phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” cả trước mắt và lâu dài.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cơ chế thí điểm phù hợp
Kết luận của Bộ Chính trị nhấn mạnh đến việc tăng cường phân cấp, phân quyền, cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, cơ chế hợp tác công tư…; tăng tính tự chủ, tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm, cơ chế kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhiệm vụ. Tập trung xây dựng kế hoạch và chương trình phát triển đô thị theo mô thức đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, vùng đô thị... để triển khai thực hiện 2 quy hoạch của Thủ đô có hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch và kỷ cương quy hoạch.
Nghiên cứu xây sân bay thứ hai
Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh, Hà Nội phải sắp xếp, phân bố không gian phát triển kinh tế - xã hội theo cấu trúc tâm - tuyến các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển. Tăng cường kết nối vùng, nhất là kết nối về giao thông, logistics... Bộ Chính trị thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hòa Lạc, đồng thời nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai tại Hà Nội. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô và khu vực đồng bằng sông Hồng.
Phát triển các mô hình kinh tế đêm
Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục rà soát các phương án quy hoạch để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực chủ yếu, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực, xây dựng thành phố Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, sôi động, hấp dẫn, đặc sắc có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, có năng lực cạnh tranh cao hơn so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế. Cùng đó, sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới”
Bộ Chính trị nhấn mạnh lưu ý, cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian 2 bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất 2 bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.
Hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị
Kết luận của Bộ Chính trị cũng lưu ý việc đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng để mở rộng không gian phát triển. Có lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở các cơ quan, trụ sở các doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô; có phương án mở rộng không gian phát triển sang phía Bắc sông Hồng...
Phát triển mô hình chùm đô thị
Bộ Chính trị lưu ý, tiếp tục rà soát, hoàn thiện giải pháp tổ chức thực hiện các quy hoạch như mở rộng không gian phát triển thông qua xây dựng vành đai 4, vành đai 5 và các trục phát triển để khai thác quỹ đất; khai thác hiệu quả hơn nữa không gian trên cao và không gian ngầm; đẩy mạnh chuyển đổi số... Nhấn mạnh rõ hơn các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hài hòa đô thị và nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn. Kế thừa định hướng quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái…
Bộ Chính trị giao Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội phối hợp với Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của Bộ Chính trị và các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến và phê duyệt theo quy định.
Kiến trúc sư Nguyễn Đức Minh (quận Hà Đông, Hà Nội): Quy hoạch Hà Nội phải đảm bảo cho hàng trăm năm sau
Với định hướng của Bộ Chính trị về các điểm đột phá trong giao thông của Hà Nội, nhất là yêu cầu “bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hòa Lạc; đồng thời, nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai”, có thể thấy sân bay lưỡng dụng thế giới đã áp dụng rất nhiều, vừa giảm tải được cho các sân bay dân sự lớn vừa giúp người dân nhiều lựa chọn thuận tiện hơn. Từ định hướng này, các hướng kết nối giao thông liên tỉnh, liên văn hóa cần phải đặt ra ngay trong các quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô và khu vực đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt là các trục ngoại vi kết nối tỉnh cần chú ý đến kết nối văn hóa, đặc biệt phải phát huy được hiệu quả của tuyến Vành đai 4 Vùng Thủ đô đang được triển khai. Tám định hướng lớn trong kết luận của Bộ Chính trị là định hướng chủ đạo. Hà Nội cần khẩn trương cụ thể hóa vào 2 quy hoạch lớn để khi được duyệt thì đảm bảo cho cả tương lai lâu dài 200 - 300 năm, chứ không cứ vừa làm vừa sửa mãi được.
Kiến trúc sư Nguyễn Hải Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội): Đề xuất mô hình tái định cư tại chỗ ở 4 quận nội thành
Tám định hướng chính trong Kết luận 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị là rất quan trọng để Hà Nội hoàn thiện 2 quy hoạch. Theo tôi, trước hết cần trả lời rõ các câu hỏi: Đặc trưng phố phường Hà Nội là gì? Con người Hà Nội là như thế nào? Âm nhạc của Hà Nội ra sao? Sản phẩm thủ công đặc trưng, kiến trúc có những gì?… Từ đó điều chỉnh quy hoạch chi tiết thật sự bám sát thì mới đảm bảo hình hài một thành phố nghìn năm văn hiến. Đó là cốt lõi của quy hoạch. Ngoài ra, bài toán di dân khỏi 4 quận nội đô lịch sử hiện vẫn đang nan giải. Yêu cầu của Bộ Chính trị là “có lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở các cơ quan, trụ sở các doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô; có phương án mở rộng không gian phát triển sang phía Bắc sông Hồng; đồng thời tiến hành cải tạo, tái thiết đô thị để nâng cao chất lượng, điều kiện sống, an toàn cho người dân…”. Do đó, tôi đề xuất mô hình tái định cư tại chỗ, tận dụng diện tích còn lại từ một số cơ sở phải di dời. Mô hình này sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề hiện nay chưa thể khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như sinh kế. Với một số điểm sau thu hồi ở 4 quận nội thành có diện tích lớn nên bố trí kết hợp các blog nhà 6 - 7 tầng với diện tích kinh doanh ở tầng 1 - 2, kết hợp nhà ở phía trên để người dân (nhất là trong các phố cổ) tái định cư. Diện tích còn lại bố trí cây xanh, vườn hoa, khu triển lãm công cộng. Bài toán đó có thể giải quyết bằng các cuộc thi lớn, chắc chắn sẽ có giải pháp phù hợp để vừa đảm bảo mật độ dân số, vừa phục vụ công tác quy hoạch lâu dài.
Phú Khánh (Ghi)