Bộ Công an đề xuất một số quy định đối với xe chở học sinh và trẻ mầm non

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, Bộ Công an đề xuất màu sơn của xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh; quy định việc xử phạt với trường hợp không lắp đặt thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non hoặc thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.

Bộ Công an đang lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức và cá nhân dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.

Đáng chú ý, Điều 27 trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đưa ra các quy định cụ thể về màu sơn của xe ô tô chở trẻ em mầm non và học sinh, chia làm 2 trường hợp sau:

Thứ nhất, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non và học sinh, theo khoản 1 Điều 46 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phải được sơn màu vàng đậm toàn bộ thân xe. Trên mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo nhận diện là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non và học sinh.

Thứ hai, xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non và học sinh, phải có biển báo nhận diện đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm và phục hồi điểm Giấy phép lái xe, do Bộ Công an đề xuất, cũng nêu rõ mức xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô chở học sinh và trẻ em mầm non.

Cụ thể, dự thảo quy định phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm như: Không hướng dẫn học sinh, trẻ em mầm non ngồi đúng vị trí trong xe; điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non và học sinh tiểu học không có dây đai an toàn phù hợp hoặc không sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp theo quy định.

Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với các hành vi như: Điều khiển xe ô tô chở học sinh tiểu học và trẻ em mầm non mà không có hoặc không đủ người quản lý trên mỗi xe theo quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; điều khiển xe ô tô chở học sinh và trẻ em mầm non mà chưa đủ 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách; điều khiển xe ô tô chở học sinh và trẻ em mầm non mà lái xe và người quản lý chưa được tập huấn về quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh và trẻ em mầm non.

Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm như: Điều khiển xe kinh doanh vận tải chở học sinh và trẻ em mầm non mà không có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh và trẻ em mầm non hoặc thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; xe có niên hạn sử dụng không đúng quy định hoặc không có màu sơn theo quy định đối với xe chở học sinh và trẻ em mầm non.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm có thể bị trừ 6 điểm trên Giấy phép lái xe.

Những năm gần đây, Việt Nam đã xảy ra một số vụ trẻ em tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón mầm non, gây ra những hậu quả đau lòng và sự quan tâm lớn từ dư luận. Mới đây nhất, ngày 29/5/2024, khi một bé 5 tuổi tại Trường Mầm non Hồng Nhung 2, Thái Bình bị bỏ quên trên xe suốt cả ngày. Khi người thân phát hiện, bé đã tử vong dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người" để điều tra.

Trước đó, vào tháng 9/2019, một sự việc tương tự xảy ra tại Bắc Ninh khi một cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón nhưng may mắn được cứu sống. Hay vụ bé trai 6 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (Hà Nội) vào tháng 8/2019 khiến dư luận bàng hoàng, xót xa...

Những sự cố này đã dấy lên nhiều lo ngại về công tác quản lý và an toàn trong dịch vụ đưa đón trẻ em, buộc các cơ quan chức năng phải xem xét lại quy trình và tăng cường các biện pháp an toàn nhằm tránh tái diễn những thảm kịch tương tự.

N.H

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bo-cong-an-de-xuat-mot-so-quy-dinh-doi-voi-xe-cho-hoc-sinh-va-tre-mam-non-312602.html