Bộ Công an đề xuất tăng mức định lượng tiền xử lý hình sự tội tham ô tài sản, nhận hối lộ
Tại dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đã đề xuất điều chỉnh tăng mức định lượng tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một loạt tội như tham ô tài sản, nhận hối lộ...
Với Tội nhận hối lộ, theo quy định hiện hành tại Điều 354 BLHS 2015 người có hành vi nhận hối lộ từ 2-dưới 100 triệu đồng (lần đầu) sẽ bị phạt tù từ 2-7 năm. Còn tại dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất chỉ xử lý hình sự khi số tiền nhận hối lộ từ 5 triệu đồng trở lên.
Với Tội tham ô tài sản, dự thảo đề xuất xử lý hình sự khi tham ô từ 5 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều tỷ đồng
Đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 BLHS 2015, hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Còn tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất nâng mức định lượng lên từ 5 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng. Tại các khoản có khung hình phạt cao hơn, dự thảo cũng đề xuất nâng gấp đôi mức định lượng tiền.
Về Tội đánh bạc, Điều 321 BLHS 2015 quy định, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Song, tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất nâng mức định lượng, từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
Ở các khoản có khung hình phạt cao hơn, Bộ Công an cũng đề xuất nâng gấp đôi mức định lượng tiền tương ứng.
Ngoài nội dung trên, Bộ Công an còn đề xuất sửa đổi căn cứ miễn trách nhiệm hình sự tại Điều 29 BLHS 2015. Cụ thể, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau:
Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi có quyết định đại xá.
Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận…
Pháp nhân thương mại phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm không còn nguy hiểm cho xã hội; Khi có quyết định đại xá.
Như vậy, so với quy định hiện hành, dự thảo đã bổ sung thêm các căn cứ được miễn trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội.