Bộ Công an kiểm tra dự án bị tố gây thất thoát ngân sách tại Bình Thuận
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an cùng các sở ngành, lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận đang tiến hành xác định hiện trường dự án Tân Việt Phát 2 (tên thương mại là dự án Queen Pearl 2). Đây là dự án khiến dư luận bức xúc vì cho rằng thất thoát ngân sách nhà nước, khi Bình Thuận giao đất vào năm 2017 nhưng lại tính tiền đất ở năm 2013.
Sáng 14/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Phan Thiết và Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận xác định hiện trường tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (tên thương mại là dự án Queen Pearl 2). Tham gia làm việc còn có đại diện VKSND Tối cao.
Theo C01, việc này là để phục vụ công tác điều tra xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý. Cụ thể, đoàn công tác đi thực địa, xác định hiện trường tại 3 lô đất 18, 19, 20 có tổng diện tích hơn 92.000m2 do Công ty CP Tân Việt Phát làm chủ đầu tư và được UBND tỉnh Bình Thuận giao đất năm 2017.
Trước đó, ông Đặng Công Huẩn, Phó tổng Thanh tra Chính phủ đã ký kết luận về việc UBND tỉnh Bình Thuận giao hàng loạt lô không qua đấu giá, gồm: Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, Hamubay Phan Thiết, Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, Trường Mầm non Lê Quý Đôn.
Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, khu vực đất thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát có nguồn gốc là đất nghĩa trang tập trung, sau khi di dời thì còn nhiều hố sâu, tường và bia mộ để lại làm mất mỹ quan và mang yếu tố tâm linh nên không có nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, dù đã thông báo nhiều lần từ năm 2013-2015. Do đó, đủ điều kiện để UBND tỉnh Bình Thuận xem xét cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Cũng liên quan đến dự án này, vào ngày 18/11/2020, trước thông tin báo chí phản ánh về các dự án giao “đất vàng” cho doanh nghiệp không qua đấu giá công khai gây thất thoát ngân sách, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo để giải đáp thông tin.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc đấu giá 3 lô đất số 18, 19 và 20 là 9,26ha thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT706B của dự án Tân Việt Phát 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá. Phương thức đấu giá là chung một gói đấu giá, theo hiện trạng đất thô và khách hàng trúng đấu giá tự bỏ toàn bộ kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh và bên trong phạm vi dự án. Khu đất này đã thông báo bán đấu giá 6 lần nhưng không có khách hàng nào tham gia đấu giá.
Do khu vực này là nghĩa địa tập trung, còn nhiều hố sâu, bia mộ do việc di dời mồ mả để lại làm mất mỹ quan và thiện cảm nên không có nhà đầu tư tham gia đấu giá. Năm 2016, các sở ngành và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh dự kiến làm lại giá theo hướng giảm giá để đấu giá. Ngày 16/1/2017, Công ty CP Tân Việt Phát có Công văn số 01.2017/CV-TVP xin chủ trương cho phép giao đất không thông qua hình thức đấu giá đối với 3 lô đất số 18, 19 và 20 thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT706B, thành phố Phan Thiết theo quy định pháp luật.
Căn cứ Khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 và Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 22/4/2016 của UBND tỉnh, do 3 lô đất trên đã đưa ra đấu giá 6 lần nhưng không có người tham gia nên UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất đối với 3 lô đất trên cho Công ty CP Tân Việt Phát là đúng theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trước sự việc trên, một cựu lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc giao đất cho Công ty CP Tân Việt Phát năm 2017 nhưng áp giá đất năm 2013 có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho ngân sách. Theo vị này, tháng 4/2013, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2013 trên địa bàn Bình Thuận thì đất ở tại Phan Thiết đã có giá 1,5 triệu/m2. Đến tháng 7/2016, Bình Thuận tiếp tục cập nhật điều chỉnh giá đất thì đất ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết đã có giá 1,6 triệu đồng/m2.