Bộ Công an kiến nghị việc giám sát quỹ bình ổn giá xăng dầu

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nhận thấy có một số nguyên nhân xảy ra tội phạm đến từ công tác kiểm tra, giám sát Quỹ Bình ổn giá xăng giá dầu (quỹ BOG).

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Cơ quan An ninh điều tra đề nghị truy tố 15 bị can về các tội danh Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, tội Đưa hối lộ, tội Nhận hối lộ.

Trong đó, 8 người bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ gồm: Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương); Trần Duy Đông (nguyên Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công Thương); Hoàng Anh Tuân và Nguyễn Lộc An (nguyên Vụ phó Thị trường trong nước); Lê Duy Minh (nguyên Giám đốc Sở Tài chính Tp.Hồ Chí Minh, nguyên Cục trưởng Thuế Tp.Hồ Chí Minh); Đặng Công Khôi (nguyên Cục phó Quản lý giá, Bộ Tài chính); Phan Kiến Anh (nguyên Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn); Lê Đức Thọ (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre).

Ngoài ra, ông Thọ còn bị đề nghị truy tố thêm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ.

Nguyễn Thị Như Phương (Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil) bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

5 người bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ gồm: Nguyễn Văn Thắng (nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil); Vũ Trung Thành (nguyên Giám đốc Viettinbank Chi nhánh Thanh Xuân); Đinh Tiến Dũng (Kế toán trưởng Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil); Nguyễn Tấn Long (Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil); Đồng Xuân Dũng (lao động tự do).

Bà Mai Thị Hồng Hạnh bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ.

Bà Mai Thị Hồng Hạnh bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ.

Bộ Công an đánh giá đây là vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ liên quan đến lĩnh vực an ninh năng lượng, an ninh tài chính, ngân hàng xảy ra từ Trung ương đến địa phương, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát tài sản Nhà nước đặc biệt lớn, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và được dư luận xã hội quan tâm.

Để xảy ra tội phạm, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nhận thấy có một số nguyên nhân đến từ công tác kiểm tra, giám sát Quỹ Bình ổn giá xăng giá dầu (Quỹ BOG), thu tiền thuế bảo vệ môi trường.

Để phòng ngừa sai phạm, Bộ Công an kiến nghị các vấn đề lớn sau:

Thứ nhất, đối với công tác kiểm tra, giám sát Quỹ BOG, trước mắt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG của các cơ quan quản lý nhà nước và yêu cầu thương nhân đầu mối xăng dầu phải công khai số dư Quỹ và tài liệu, chứng từ chứng minh theo định kỳ hàng tháng để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch.

Sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu, theo đó cần quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước và cần thiết giao một cơ quan duy nhất có quyền hạn, trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát Quỹ BOG hoặc chuyển Quỹ BOG về cơ quan Nhà nước quản lý trực tiếp.

Trường hợp phát hiện có vi phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét, xử lý hình sự.

Thứ hai, đối với công tác quản lý, thu tiền thuế bảo vệ môi trường, pháp luật cần quy định thời gian cụ thể mà doanh nghiệp phải nộp số tiền thuế đã thu hộ vào ngân sách Nhà nước và trách nhiệm hình sự của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp không thực hiện việc chuyển nộp số tiền đã thu hộ này vào ngân sách Nhà nước theo thời gian quy định.

Cơ quan thuế cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền chấn chỉnh trong quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và kịp thời có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý.

Trường hợp, để xảy ra sai phạm về thời gian chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan thuế và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thứ ba, đối với việc cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, pháp luật cần quy định trách nhiệm, chế tài nghiêm khắc đối với đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép sau khi cấp phép.

Trường hợp doanh nghiệp không duy trì điều kiện cấp phép thì phải kiến nghị thu hồi giấy phép và có hình thức phạt bổ sung nghiêm khắc đối với doanh nhiệp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp (như cấm kinh doanh lĩnh vực xăng dầu trong thời gian nhất định; phạt tiền...).

Thứ tư, đối với các vấn đề, lĩnh vực khác có liên quan trọng vụ án, các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về lĩnh vực, ngành chuyên môn phụ trách và quy định chế tài xử lý nghiêm khắc có tính chất răn đe, giáo dục nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi sai phạm, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

Bộ Công Thương chỉ rõ bất cập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Trước đó, báo cáo đánh giá về nhiệm vụ sử dụng Quỹ BOG, Bộ Công Thương khẳng định, thời gian qua, quỹ này đã được liên Bộ Công Thương - Tài chính sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng giá) trong trường hợp cần thiết, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Công Thương đánh giá, kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày/lần theo Nghị định 80, mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh giá không lớn, giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, do đó ít khi phải trích lập quỹ và hoàn toàn không phải chi Quỹ.

Tuy nhiên, Bộ này cũng thừa nhận việc sử dụng Quỹ thời gian qua cho thấy một số bất cập được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra chỉ ra như: Doanh nghiệp sử dụng Quỹ sai mục đích; không kết chuyển tiền về quỹ; việc trích lập, chi Quỹ BOG thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời hạn cụ thể… chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá.

Với những tồn tại trên, tại dự thảo sửa đổi nghị định xăng dầu mới nhất, Bộ Công Thương đề xuất, số dư Quỹ BOG thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như hiện tại, sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo Luật Giá 2023.

Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá mức độ biến động mặt bằng giá xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giá.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường xăng dầu, có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Giá.

T.M (tổng hợp theo VnEconomy, Lao động, Nhà báo & Công luận, TTXVN)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-cong-an-kien-nghi-viec-giam-sat-quy-binh-on-gia-xang-dau-204240828113131171.htm