Bộ Công an: Nhiều tội phạm đặc biệt nghiêm trọng lợi dụng cam kết về dẫn độ để né tử hình
Bộ Công an cho hay nhiều kẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nắm bắt được việc các quốc gia ở châu Âu không quy định hình phạt tử hình nên đã bỏ trốn đến các quốc gia này để 'né' tử hình.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ do Bộ Công an xây dựng trên cơ sở tách từ Luật tương trợ tư pháp (TTTP) 2007.
Nhiều quốc gia đã có Luật dẫn độ
Theo Bộ Công an, Luật TTTP điều chỉnh bốn lĩnh vực nhưng mỗi lĩnh vực lại có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động, mục đích và bản chất khác nhau, gồm TTTP về dân sự, TTTP về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Điều này sẽ khó bảo đảm Luật được áp dụng đồng bộ, dẫn đến việc các quy định chung của Luật không điều chỉnh được những đặc thù riêng trong từng lĩnh vực.
Qua tham khảo, xu thế chung của các quốc gia trên thế giới hiện nay là xây dựng riêng Luật dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng. Một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... đều đã xây dựng và ban hành luật riêng về dẫn độ.
Liên hợp quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước. Ở cấp độ khu vực, ASEAN đã xây dựng Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và đang xây dựng Hiệp định về dẫn độ.
Mặt khác, Bộ Công an nhìn nhận một số quy định của Luật TTTP về dẫn độ chưa tương tích với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc chưa được nội luật hóa trong Luật TTTP, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện.
“Việc xây dựng Luật Dẫn độ sẽ góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động dẫn độ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ký kết các Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam với nước ngoài; tăng cường hài hòa hóa và giảm bớt xung đột pháp luật Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực này” - Bộ Công an kỳ vọng và mong muốn điều này sẽ bảo đảm nội luật hóa và phù hợp hơn với các điều ước quốc tế có liên quan đến dẫn độ mà Việt Nam là thành viên.
Đề xuất Chủ tịch nước quyết định việc cam kết không áp dụng hình phạt tử hình
Trong tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an cho hay pháp luật Việt Nam hiện có quy định hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình.
Tuy nhiên, một số hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và các nước có quy định chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không áp dụng án tử hình hoặc tuyên tử hình nhưng sẽ không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Vì vậy, nếu không có cam kết về vấn đề này, việc dẫn độ sẽ bị từ chối.
Ngoài ra, một số quốc gia, đặc biệt là một số nước châu Âu không quy định hình phạt tử hình, do đó khi xử lý các yêu cầu dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội.
Mặc dù vậy, theo Bộ Công an, vấn đề cam kết không áp dụng án tử hình trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự là một vấn đề rất lớn, phức tạp, chưa được quy định trong Luật TTTP. Nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nắm bắt được việc các quốc gia có xu hướng yêu cầu cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ, đã bỏ trốn đến các quốc gia này và hy vọng rằng nếu bị dẫn độ về Việt Nam thì sẽ không bị tử hình.
“Vì vậy, nếu như chính thức luật hóa quy định về việc cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ thì phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ” – tờ trình nhấn mạnh và đề xuất bổ sung quy định Chủ tịch nước là người có thẩm quyền quyết định việc đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên hình phạt tử hình nhưng không thi hành hình phạt tử hình.
Dự luật cũng đề xuất cần cân nhắc áp dụng quy định cam kết không áp dụng hình phạt tử hình cả trong trường hợp Việt Nam là quốc gia được yêu cầu dẫn độ.
Cụ thể, pháp luật của nước yêu cầu dẫn độ tội phạm quy định tội đó có thể bị hình phạt tử hình nhưng theo pháp luật Việt Nam không đến mức tử hình. Khi đó sẽ áp dụng nguyên tắc pháp luật có lợi cho người phạm tội, Việt Nam sẽ yêu cầu nước bạn không áp dụng tử hình với tội phạm được dẫn độ từ Việt Nam.
Bộ Công an đánh giá sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật TTTP năm 2007, công tác dẫn độ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 38 yêu cầu dẫn độ do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến; đã lập và chuyển 68 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Bộ Công an, nhiều quy định trong Luật TTTP năm 2007 không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu tương thích với hệ thống pháp luật hiện nay và các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên. Thực trạng này đòi hỏi phải xây dựng mới một số quy định về dẫn độ đáp ứng yêu cầu công tác dẫn độ trong tình hình mới.