Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào không được theo dõi công dân sử dụng thẻ căn cước gắn chip

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip hoặc QR code thì không theo dõi và không thể theo dõi được. Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào không được và không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Căn cước. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Đổi tên thẻ căn cước không phát sinh thêm thủ tục, chi phí

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ tán thành với phiên bản mới nhất của dự thảo Luật Căn cước, cũng như nội dung giải trình, tiếp thu đối với dự thảo Luật này…

Cùng với đó, đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ĐBQH để hoàn thiện dự thảo luật.

 Quang cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Căn cước.

Quang cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Căn cước.

Tham gia thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tán thành tên gọi Luật Căn cước, vì tên gọi này thể hiện đầy đủ các chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án luật, bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, tên gọi Luật Căn cước cũng thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, đáp ứng nhu cầu quản lý căn cước ở nước ta. Việc thay đổi tên thẻ cũng đảm bảo tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo đại biểu đoàn Hải Dương, việc sửa đổi tên Luật cũng hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho Hộ chiếu đi lại giữa các nước trong khu vực. Nếu để tên thẻ là thẻ Căn cước công dân thì chưa đảm bảo tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của quốc tế, có thể phát sinh khó khăn nhất định khi dùng thẻ ở các quốc gia khác, hoặc dùng thẻ với mục đích hội nhập quốc tế.

"Điều 46 của dự thảo Luật quy định rằng, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Quy định về căn cước công dân, chứng minh nhân dân tại các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước được cấp theo quy định của Luật này", bà Nga nêu rõ và cho rằng, việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh thêm thủ tục, chi phí đổi thẻ đối với người dân, làm tăng chi ngân sách nhà nước.

 Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đáng chú ý, góp ý cho Luật Căn cước, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thống nhất với sự cần thiết cấp thẻ căn cước điện tử cho công dân mang lại nhiều tiện lợi khi được tích hợp nhiều thông tin.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, nhiều công dân phản ánh lo ngại sử dụng căn cước gắn chíp, căn cước điện tử liệu có bị theo dõi. Để công dân an tâm, đại biểu đề nghị Bộ Công an giải thích làm rõ, thông tin tuyên truyền về vấn đề này.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu quan điểm, thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm có cả nhóm máu.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại vì ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân, gây hậu quả tiêu cực khác nếu thông tin cá nhân này được công khai và cũng không thống nhất với quy định Luật Cư trú.

 ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip hoặc QR code thì không theo dõi

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 5, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách; tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Đến nay, dự thảo luật đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Căn cước có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết. Dự án luật không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa giấy tờ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước... trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, Dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng với các thuật ngữ, kỹ thuật của các nhóm vấn đề mà đại biểu Quốc hội có ý kiến.

 ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tham gia thảo luận.

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tham gia thảo luận.

Đáng chú ý, đối với vấn đề ĐBQH nêu xung quanh lo ngại sử dụng căn cước gắn chíp, căn cước điện tử liệu có bị theo dõi, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip hoặc QR code thì không theo dõi và không thể theo dõi được. Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào không được và không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân.

Bộ Công an khẳng định sẽ có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh cho công dân. Bên cạnh đó, cũng không để công dân bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào. An ninh, an toàn của tất cả các công dân sẽ được đảm bảo.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tô Lâm cũng giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến thông tin trong thẻ căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, tính bảo mật của thông tin của công dân, thẩm quyền khai thác, thu thập thông tin của công dân, thẩm quyền cấp, cấp đổi, đổi thẻ căn cước, về giấy chứng nhận căn cước, tên gọi dự thảo, giải thích từ ngữ…

Theo đó, các đại biểu đã cơ bản thống nhất đổi tên gọi thành Luật Căn cước, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-cong-an-va-bat-cu-co-quan-nao-khong-duoc-theo-doi-cong-dan-su-dung-the-can-cuoc-gan-chip-post269871.html