Bộ Công an Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm giảm TNGT tại hội nghị quốc tế
Tham dự phiên họp bàn tròn cấp Bộ trưởng, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) có bài phát biểu với chủ đề: 'Kinh nghiệm của Việt Nam trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ'.
Chiều 21/2, Đại diện Cục CSGT cho biết, đoàn đại biểu của Bộ Công an Việt Nam vừa tham dự Hội nghị toàn cầu cấp Bộ trưởng lần thứ 4 về an toàn giao thông đường bộ tại thành phố Marrakech (Vương quốc Morocco).
Hội nghị có sự tham gia của bộ trưởng và người đứng đầu cơ quan an toàn đường bộ các quốc gia cùng với khoảng 1500 đại biểu là các chuyên gia từ Liên Hợp Quốc...
Hội nghị được tổ chức nhằm tôn vinh những quốc gia đã thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế, giảm tai nạn giao thông. Đồng thời, thúc đẩy quyết tâm, hành động cụ thể và cam kết quốc gia trong việc nâng cao an toàn giao thông đường bộ. Nhất là hướng tới mục tiêu giảm một nửa số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ trên toàn cầu vào năm 2030.

Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng và người đứng đầu cơ quan an toàn đường bộ các quốc gia.Ảnh: CACC
Tham dự Phiên họp bàn tròn cấp Bộ trưởng, Đại tá Phạm Quang Huy- Phó Cục trưởng Cục CSGT, cùng đoàn đại biểu Bộ Công an đã có bài phát biểu với chủ đề: “Kinh nghiệm của Việt Nam trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ”.
Đại tá Phạm Quang Huy khẳng định, vấn đề an toàn giao thông đường bộ được lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Công an rất quan tâm, chỉ đạo thay đổi cơ bản cả về tư duy, nhận thức và hành động với phương châm: "Lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là động lực, nguồn lực".
"Mỗi người mất đi vì tai nạn giao thông thì đó là nỗi đau của gia đình, là mất mát của dòng họ, là vợ mất chồng, con mất cha. Bên cạnh đó, những người gây ra tai nạn giao thông thì vướng vòng lao lý gây tổn thất cho gia đình và xã hội vô cùng lớn. Đa số người gây tai nạn và người mất đều ở độ tuổi lao động, đang làm ra của cải vật chất cho xã hội", đại diện Bộ Công an Việt Nam phát biểu.

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CACC
Cũng theo Đại tá Phạm Quang Huy, trước thực trạng giao thông hiện tại và thách thức đặt ra, Việt Nam đã triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ một số giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ. Trong đó, có việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý các văn bản quy phạm pháp luật là Quốc hội ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Đồng thời, ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bao gồm những điểm mới, huy động sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền các cấp trong việc xây dựng nền tảng văn hóa giao thông mới phù hợp thực tế.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát quy hoạch, phát triển hạ tầng đường bộ, xóa bỏ điểm đen điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, giảm xung đột giữa các luồng phương tiện, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và thực thi pháp luật về an toàn giao thông đường bộ...

Đoàn đại biểu Việt Nam đồng thuận với mục tiêu mà Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đưa ra. Ảnh: CACC
Tại Hội nghị, tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước tham dự đã có phản hồi tích cực với các nội dung phía Việt Nam chia sẻ, đánh giá cao nỗ lực và đóng góp của Bộ Công an Việt Nam trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đoàn đại biểu Việt Nam đồng thuận với mục tiêu mà Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đưa ra tại Nghị quyết số 74/299 về Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2021 – 2030. Với mục tiêu giảm ít nhất 50% số ca tử vong và chấn thương do giao thông đường bộ trong giai đoạn này, cam kết hàng năm giảm 5 – 10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững.