Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 26/2025/TT-BCT ngày 15/05/2025 quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 26/2025/TT-BCT ngày 15/05/2025 quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 26/2025/TT-BCT ngày 15/05/2025 quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thông tư gồm 5 Chương và 30 Điều, quy định chi tiết về bên liên quan trong vụ việc phòng vệ thương mại; hoạt động cung cấp, thu thập và bảo mật thông tin, tài liệu; tiếng nói, chữ viết trong quá trình điều tra, rà soát vụ việc phòng vệ thương mại; quản lý nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; các trường hợp miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Thông tư áp dụng với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền điều tra, áp dụng, rà soát việc áp dụng và xử lý biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; và thương nhân Việt Nam, thương nhân nước ngoài, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan đến điều tra, áp dụng, rà soát việc áp dụng và xử lý biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên liên quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực và tài liệu cần thiết trong vụ việc điều tra phòng vệ thương mại

Thông tư quy định chi tiết về bên liên quan trong vụ việc điều tra áp dụng hoặc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, bên liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, trừ trường hợp các tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 74 của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.

Bên liên quan có mối quan hệ liên kết với bên yêu cầu và bên bị yêu cầu trong vụ việc phòng vệ thương mại được xác định trong các trường hợp sau:

a) Bên này trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên kia;

b) Cả hai bên đều trực tiếp hoặc gián tiếp bị kiểm soát bởi một bên thứ ba;

c) Cả hai bên cùng trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên thứ ba.

d) Một bên được xác định là kiểm soát một bên khác theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này có các quyền và nghĩa vụ sau:

a) Cung cấp thông tin trung thực và tài liệu cần thiết liên quan đến vụ việc điều tra phòng vệ thương mại theo quan điểm của mình hoặc theo yêu cầu của Cơ quan điều tra;

b) Yêu cầu Cơ quan điều tra bảo mật thông tin theo quy định tại Điều 11 Thông tư này;

c) Tiếp cận thông tin về vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Cơ quan điều tra, trừ những thông tin được bảo mật theo quy định tại Điều 11 Thông tư này;

d) Tham gia tham vấn và trình bày quan điểm, cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ việc phòng vệ thương mại.

Bên liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 8 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên liên quan có thể yêu cầu cung cấp công khai một số tài liệu trong vụ việc

Thông tư cũng quy định về cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu trong vụ việc điều tra áp dụng hoặc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, việc cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu trong vụ việc điều tra áp dụng hoặc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được thực hiện theo quy định tại Điều 75 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.

Các nhà sản xuất, xuất khẩu không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại quy định tại Điều 96 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại cung cấp thông tin theo mẫu tại Phụ lục IV Thông tư này.

Trường hợp bên liên quan từ chối cho Cơ quan điều tra tiếp cận hoặc từ chối cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu, Cơ quan điều tra có quyền sử dụng thông tin, tài liệu do bên liên quan cung cấp hoặc do Cơ quan điều tra tự thu thập hoặc thông tin, tài liệu sẵn có.

Trường hợp các bên liên quan có yêu cầu, Cơ quan điều tra xem xét cung cấp bản công khai các loại thông tin, tài liệu sau đây:

1. Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng hoặc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Bên yêu cầu cung cấp và các phụ lục kèm theo;

2. Tài liệu do bên liên quan cung cấp để đăng ký tham gia vụ việc;

3. Bản trả lời câu hỏi và bản trả lời câu hỏi bổ sung do bên liên quan cung cấp trong quá trình điều tra vụ việc;

4. Tài liệu do bên liên quan cung cấp cho Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra áp dụng hoặc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm: những tài liệu để tổ chức các buổi tham vấn; các ý kiến đối với Hồ sơ yêu điều tra áp dụng hoặc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do bên liên quan cung cấp;

5. Biên bản họp hoặc bản tóm tắt phiên tham vấn công khai liên quan đến vụ việc điều tra do Cơ quan điều tra lập;

6. Các thông báo của Cơ quan điều tra và Bộ trưởng Bộ Công Thương, bao gồm thông báo về nhận Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng hoặc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng, đơn đăng ký bên liên quan và gửi bản câu hỏi, phiên tham vấn công khai, giới hạn phạm vi điều tra mẫu, chấp thuận hoặc không chấp thuận đề xuất cam kết;

7. Các thông tin khác liên quan đến vụ việc điều tra áp dụng hoặc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Cơ quan điều tra xem xét công khai trong quá trình điều tra.

Tổng thời hạn miễn trừ không vượt quá thời hạn có hiệu lực của biện pháp phòng vệ thương mại tương ứng

Thông tư cũng quy định chi tiết về việc miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, theo đó, phạm vi xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại gồm:

1. Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong một số trường hợp cụ thể trên nguyên tắc không làm giảm hiệu quả tổng thể của biện pháp phòng vệ thương mại.

2. Hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa nằm trong danh sách được xem xét miễn trừ được quy định tại quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các quyết định về kết quả rà soát của từng vụ việc;

b) Hàng hóa mà ngành sản xuất trong nước trong vụ việc tương ứng không sản xuất được;

c) Hàng hóa có đặc điểm khác biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà hàng hóa sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;

d) Hàng hóa là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;

đ) Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường hoặc trong trường hợp bất khả kháng dẫn tới thiếu hụt nguồn cung của ngành sản xuất trong nước;

e) Hàng hóa nhập khẩu nằm trong tổng lượng đề nghị miễn trừ quy định từ điểm a đến điểm đ khoản 2 Điều này phục vụ mục đích nghiên cứu, phát triển và các mục đích phi thương mại khác.

Thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được quy định như sau:

1. Tổng thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không vượt quá thời hạn có hiệu lực của biện pháp phòng vệ thương mại tương ứng. Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét quyết định thời hạn miễn trừ đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo một trong các trường hợp được nêu tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

2. Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời theo điểm a khoản 1 Điều 17 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ tính từ ngày biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời có hiệu lực đến khi hết thời hạn áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời đó.

3. Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo điểm b khoản 1 Điều 17 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ tính từ ngày biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó. Trường hợp biện pháp phòng vệ thương mại chính thức có hiệu lực vào tháng 10, tháng 11 hoặc tháng 12 thì thời hạn miễn trừ tính từ ngày quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chính thức có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 của năm tiếp theo.

4. Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo điểm c khoản 1 Điều 17 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ.

5. Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo điểm d khoản 1 Điều 17 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm tiếp theo.

6. Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ bổ sung được Cơ quan điều tra tiếp nhận theo khoản 4 Điều 17 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ bổ sung được tính theo thời hạn miễn trừ của quyết định miễn trừ ban đầu.

Đối tượng đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại gồm cá nhân, tổ chức hoặc chi nhánh của tổ chức nhập khẩu, sử dụng hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để sản xuất; và các tổ chức, cá nhân khác do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

Các Thông tư sau hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực:

a) Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại;

b) Thông tư số 42/2023/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định của pháp luật mới ban hành.

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Cơ quan điều tra và Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết.

Các vụ việc phòng vệ thương mại đã được tiếp nhận hồ sơ điều tra, hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được xác định đầy đủ, hợp lệ trước ngày Thông tư này có hiệu lực được xem xét, giải quyết theo quy định của Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 42/2023/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bo-cong-thuong-ban-hanh-thong-tu-quy-dinh-ve-phong-ve-thuong-mai-140697.htm