Bộ Công Thương ban hành Thông tư về phương pháp xác định khung giá nhập khẩu điện

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 09/2025/TT-BCT quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, phương pháp xác định và phê duyệt khung giá phát điện cũng như khung giá nhập khẩu điện.

Việc ban hành Thông tư mới của Bộ Công Thương nhằm tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong xác định và phê duyệt khung giá điện, đảm bảo tính công khai, minh bạch và phù hợp với thực tiễn thị trường điện lực.

Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực số 61/2024/QH15, bao gồm: Khoản 5 Điều 46 quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt khung giá nhập khẩu điện, phương pháp lập khung giá nhập khẩu điện; Khoản 3 Điều 51 Luật Điện lực quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, phương pháp xác định khung giá phát điện; phê duyệt khung giá phát điện do đơn vị điện lực xây dựng và trình.

Phương pháp xác định khung giá nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc

Chương III của Thông tư này đã đưa ra phương pháp xác định khung giá nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.

Theo quy định tại Điều 9, khung giá nhập khẩu điện là mức giá trần được quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm xây dựng khung giá, áp dụng riêng cho từng quốc gia. Cụ thể, trong trường hợp có quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, mức giá tối đa được xác định theo nội dung các hiệp định này.

Chương III của Thông tư này đã đưa ra phương pháp xác định khung giá nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Ảnh: ST

Chương III của Thông tư này đã đưa ra phương pháp xác định khung giá nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Ảnh: ST

Đối với nguồn điện nhập khẩu từ các nhà máy điện, mức giá tối đa sẽ dựa trên mức bình quân của biểu giá chi phí tránh được trung bình tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Cách tính này dựa theo kết quả tính toán do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia trình Bộ Công Thương. Riêng đối với việc nhập khẩu điện thông qua lưới điện quốc gia (không phải mua điện từ các nhà máy điện), mức giá tối đa là chi phí biên theo điện năng bình quân phần nguồn điện đối với kịch bản cơ sở trong đề án quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia gần nhất được Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thông qua.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt khung giá phát điện và khung giá nhập khẩu điện

Chương IV của Thông tư tiếp tục quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt khung giá phát điện và khung giá nhập khẩu điện. Theo Điều 10, trong vòng 15 ngày kể từ khi báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và thiết kế cơ sở được phê duyệt, chủ đầu tư các nhà máy điện phải cung cấp các tài liệu này cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trước ngày 01/11 hằng năm, EVN có trách nhiệm đề xuất bộ thông số tính toán khung giá phát điện, thực hiện hoặc thuê tư vấn tính toán mức giá tối đa của khung giá phát điện theo quy định tại chương II của Thông tư này, đồng thời lập hồ sơ trình cơ quan quản lý nhà nước về điện lực để thẩm định.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, trong vòng 5 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước về điện lực tại Bộ Công Thương sẽ kiểm tra tính hợp lệ của tài liệu. Nếu cần bổ sung hoặc giải trình thêm, EVN phải hoàn thành trong thời gian không quá 15 ngày kể từ khi nhận yêu cầu. Trong vòng 25 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện. Trong trường hợp khung giá phát điện của năm tiếp theo chưa được công bố, có thể tạm thời áp dụng khung giá của năm liền kề trước đó.

Riêng đối với khung giá nhập khẩu điện, theo Điều 11, đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia có trách nhiệm lập biểu giá chi phí tránh được hằng năm, trình Bộ Công Thương thẩm định. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương sẽ có 25 ngày để tổ chức thẩm định và trình Bộ trưởng phê duyệt khung giá nhập khẩu điện theo quy định. Trường hợp khung giá nhập khẩu điện của năm tiếp theo chưa được công bố, sẽ áp dụng khung giá của năm liền kề trước đó.

Theo Điều 12, hồ sơ đề nghị phê duyệt khung giá phát điện bao gồm tờ trình đề nghị thẩm định, bảng thông số và tài liệu tính toán khung giá phát điện theo các điều khoản liên quan của Thông tư, cùng các tài liệu liên quan đến thông số tính toán mức giá tối đa. Hồ sơ được lập dưới dạng văn bản giấy hoặc thông điệp dữ liệu điện tử. EVN có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương theo cả hai hình thức này để đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định./.

Lê Minh

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bo-cong-thuong-ban-hanh-thong-tu-ve-phuong-phap-xac-dinh-khung-gia-nhap-khau-dien-38275.html