Bộ Công Thương chuẩn bị tốt công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2020

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực PCTT&TKCN Bộ Công Thương, năm 2019, mặc dù tình hình thiên tai có nhiều diễn biến phức, nhưng toàn ngành Công Thương đã chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị và ứng phó thiên tai nên ảnh hưởng của thiên tai đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chung của ngành Công Thương được đánh giá ở mức thấp. Năm 2020, ngành Công Thương tiếp tục đặt kế hoạch thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN.

Ngày 19/6, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) ngành Công Thương năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai trong năm 2019

Năm 2019, các cơ sở ngành Công Thương chịu ảnh hưởng trực tiếp của 6 cơn bão, toàn ngành đã chủ động, tích cực phối hợp tổ chức công tác ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn cho người và công trình trọng điểm trong suốt mùa mưa lũ.

Thiệt hại do thiên tai gây ra với ngành Công Thương năm 2019 tập trung chủ yếu vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tài sản bị hư hỏng như cột điện gẫy đổ, dây dẫn điện, máy biến áp bị hư hỏng… Các Tập đoàn, Tổng công ty khác do Bộ quản lý thiệt hại không đáng kể. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng.

Nhờ việc thực hiện tốt các công tác như: Thu thập thông tin, tình hình diễn biễn thiên tai đã được thực hiện thường xuyên, chính xác, nhanh chóng hơn từ đó đã phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai, sự cố của Bộ Công Thương, Ban Chỉ huy kịp thời và hiệu quả. Các đơn vị trong ngành Công Thương đã chủ động xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung phương án PCTT phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị, qua đó chủ động hơn trong việc ứng phó và làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Việc dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư đầy đủ, cung cấp kịp thời; bảo đảm không xảy ra khan hiếm hoặc tăng giá hàng hóa, kể cả những khu vực bị bão lũ chia cắt.

Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ trực 24/24h khi có bão, thường xuyên nắm bắt tình hình để chủ động việc huy động lực lượng, phương tiện ứng phó nhanh, hiệu quả và thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định. Các cơ quan,đơn vị luôn chấp hành nghiêm túc các Chỉ thị, Công điện của Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương về PCTT và Bộ Công Thương; thường xuyên kiểm tra, rà soát bổ sung hoàn chỉnh phương án xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống.

Công tác phối hợp giữa các chủ đập thủy điện với địa phương ngày một tốt hơn, tham gia cấp nước chống hạn và cắt/giảm/làm chậm lũ vùng hạ du; làm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và lũ gây ra trên địa bàn các tỉnh.

Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại như việc cung cấp thông tin thủy văn, vận hành hàng ngày trong mùa mưa lũ của một số nhà máy thủy điện chưa được thường xuyên, kịp thời. Một số đơn vị còn chủ quan, chưa thực sự chủ động trong các khâu chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Hay công tác báo cáo của một số đơn vị chưa kịp thời, chưa đầy đủ, đặc biệt đối với các trường thuộc quản lý của Bộ…

Theo ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nâng cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương; lấy phương châm “4 tại chỗ” làm chủ đạo; thường xuyên rà soát, cập nhật các phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Theo ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nâng cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương; lấy phương châm “4 tại chỗ” làm chủ đạo; thường xuyên rà soát, cập nhật các phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Riêng đối với tỉnh Quảng Ninh, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy: 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành xấp xỉ 1.000 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai; hoàn thành đề án di dân ra khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở. Nhờ đó, thiệt hại do thiên tai gây ra được giảm thiểu đến mức tối đa.

Trước mùa mưa bão 2020, với tinh thần không chủ quan, Quảng Ninh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và thực tế địa phương, phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN; tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác chủ động phòng, chống thiên tai, chuẩn bị tốt các phương án tại chỗ. Về lâu dài, Quảng Ninh sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương đánh giá, với những chỉ đạo, quan tâm của các cấp các ngành, lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã phát huy vai trò nòng cốt, ứng phó kịp thời; lực lượng xung kích ở cơ sở từng bước được củng cố, đào tạo, tập huấn. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai có nhiều tiến bộ, chất lượng dự báo được cải thiện; hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn tiếp tục được đầu tư. Công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai được chú trọng; cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai được quan tâm đầu tư; công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng được đẩy mạnh, có nhiều cải tiến phù hợp với thực tế tại từng khu vực.

Chủ động ứng phó với thiên tai trong năm 2020

Dự báo trong năm 2020, khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó khoảng 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; mặt khác, sau nắng nóng, hạn hán kéo dài rất có thể sẽ xảy ra mưa lũ lớn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về PCTT&TKCN và trách nhiệm của tổ chức, cá nhântrong công tác phòng chống và ứng phó thiên tai tại đơn vị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về PCTT&TKCN và trách nhiệm của tổ chức, cá nhântrong công tác phòng chống và ứng phó thiên tai tại đơn vị

Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, đảm bảo an toàn công trình công nghiệp và an toàn hạ du của các công trình thủy điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đề nghị các đơn vị trong ngành Công Thương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16 tháng 4 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 07 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn PCTT&TKCN.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa các đơn vị với địa phương để thống nhất chỉ huy, điều hành và phát huy hiệu quả cao nhất về nguồn lực của các đơn vị trong quá trình ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố.

- Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.

- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị ngành Công Thương trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCTT&TKCN.

- Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện cần chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Ngoài ra, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cần tích cực, chủ động, chỉ đạo các đơn vị thành viên nghiêm túc quán triệt, thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN.

Bộ Công thương tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc cho công tác PCTT&TKCN năm 2019

Bộ Công thương tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc cho công tác PCTT&TKCN năm 2019

Tiến Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-chuan-bi-tot-cong-tac-phong-chong-thien-tai-tim-kiem-cuu-nan-nam-2020-139173.html