Bộ Công thương có thể chặn Temu nếu không tuân thủ pháp luật Việt Nam

Bộ Công thương vừa ban hành văn bản 8598/BCT-TMĐT, chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong bối cảnh các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động.

Bộ Công thương cảnh báo, thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ.

Một số trang thương mại điện tử đã thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng tại Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông thời gian vừa qua.

Bộ Công thương có thể chặn Temu nếu không tuân thủ pháp luật Việt Nam. Ảnh: TL minh họa.

Bộ Công thương có thể chặn Temu nếu không tuân thủ pháp luật Việt Nam. Ảnh: TL minh họa.

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, Bộ Công thương nhanh chóng có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn khẩn trương đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Ngày 24/10/2024, Temu đã có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.

Đồng thời, chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2024.

Bộ Công thương cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký./.

Tại văn bản này, Bộ Công thương yêu cầu Vụ Pháp chế Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép. Thời gian thực hiện ngay trong tháng 10 này.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-cong-thuong-co-the-chan-temu-neu-khong-tuan-thu-phap-luat-viet-nam-162610.html