Nên giãn thời gian đánh thuế với đồ uống có đường

Theo tờ trình Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đang đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam với hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế suất tiêu thụ đặc biệt dự kiến 10%. Dự thảo này đang gây nhiều tranh luận, nhiều ý kiến đề nghị không đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong báo cáo đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy: khi áp thuế 10% đối với nước giải khát có đường sẽ khiến quy mô sản xuất của các doanh nghiệp này bị co hẹp sau khi tăng thuế; giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất đều giảm. Trong đó, giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng.

TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - CIEM cho biết: "Khi áp dụng mức thuế suất này sẽ có tác động ngay trực tiếp tới ngành nước giải khát cũng như toàn bộ nền kinh tế, cụ thể là 24 ngành trong chuỗi liên ngành. Theo đó, giá trị gia tăng thêm, giá trị sản xuất, cũng như GDP kéo theo đó giảm. Cùng với đó là ảnh hưởng quy mô sản xuất của doanh nghiệp, lợi nhuận và quan trọng hơn là cơ hội việc làm, thu nhập của người lao động."

Bên cạnh ý kiến cho rằng việc áp thuế này sẽ làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với đồ uống này thì cũng có chuyên gia nhận định, việc làm này có thể khiến người dân chuyển từ sản phẩm phải nộp thuế sang sản phẩm tiềm ẩn các nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các chuyên gia cho rằng, khi đưa ra một chính sách thuế cần phải cân nhắc tính khả thi của chính sách khi đi vào thực tiễn, cần tính toán, đánh giá kỹ tác động của việc đánh thuế về mặt kinh tế và y tế. Trong đó, cần coi trọng việc điều tiết hành vi người tiêu dùng, sau đó mới đến mục tiêu ngân sách.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nen-gian-thoi-gian-danh-thue-voi-do-uong-co-duong-275797.htm