Bộ Công Thương đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành Công Thương đạt những kết quả quan trọng, trong đó có chuyển đổi số công tác xúc tiến thương mại.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ: “Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước...”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó, xúc tiến thương mại có dấu ấn đặc biệt. Cụ thể, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp cả nước lúng túng, lâm vào cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các hoạt động giao thương truyền thống không thực hiện, Bộ Công Thương đã nhanh chóng và linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mô hình xúc tiến thương mại trực tuyến.
Hình thức xúc tiến thương mại này đã phát huy được hiệu quả trong bối cảnh đặc biệt. Chỉ tính riêng năm 2022, Bộ Công Thương đã tổ chức 30 phiên tư vấn xuất khẩu theo hình thức trực tuyến cung cấp thông tin liên quan đến các cam kết quốc tế về các sản phẩm xuất nhập khẩu, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của các nước/thị trường trên thế giới đối với các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng.
Tổ chức chuỗi Chương trình giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng nhằm chủ động cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; đồng thời, tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường, phục vụ công tác tham mưu, tư vấn chính sách và điều hành hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ tham mưu, tư vấn chính sách và điều hành hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp giải quyết những bất cập, khó khăn về thị trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường xuất nhập khẩu.
Bộ cũng đã xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt, xây dựng Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 – 2030”.
Đề án gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên cơ sở hình thành, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước, góp phần tái cơ cấu ngành Công Thương.
Triển khai đề án này, trong năm 2022, Bộ Công Thương đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động. Trong đó, đã và đang triển khai xây dựng xây dựng Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Đây là nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số.
Nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp tại nhiều địa phương, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Dương, Lào Cai, Huế, Vĩnh Long, Long An, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu…
Các hoạt động trên được ghi nhận đã góp phần kết nối hàng triệu lượt doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu, đối tác nước ngoài cùng hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, duy trì quan hệ khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường mới, khách hàng mới, khách hàng tiềm năng trong thời gian cả thế giới bị phong tỏa vì dịch Covid - 19; tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, ngay sau khi dịch bệnh được đẩy lùi; tạo dựng môi trường và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước, trong việc triển khai và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong hoạt động xúc tiến thương mại, để thích ứng với sự vận động của nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày một mạnh mẽ.
Có thể thấy sự sát sao trong công tác chỉ đạo, quyết tâm mạnh mẽ và sáng tạo, trong triển khai công tác của đội ngũ cán bộ, làm công tác xúc tiến thương mại đã góp một phần sức mình cùng ngành Công Thương, đạt kết quả quan trọng sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.
Đây cũng là nền tảng vững chắc để ngành Công Thương thực hiện thắng lợi hoàn toàn mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII đề ra.