Bộ Công Thương đề xuất cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

Bộ Công Thương đang dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và dự kiến tháng 11 năm nay sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định thông qua đề nghị xây dựng Nghị định.

Theo đó, đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa; trong đó, có việc như thế nào sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc phục vụ mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Với hàng hóa sản xuất trong nước, bao gồm cả hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước; chưa có quy định như thế nào được thể hiện "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam".

Việc thiếu vắng các quy định về cách xác định như thế nào là "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ hay nguồn gốc trên nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa...

Ảnh minh họa: tapchicongthuong.vn

Ảnh minh họa: tapchicongthuong.vn

Bên cạnh đó, tình trạng hàng hóa nước ngoài chỉ trải qua công đoạn gia công đơn giản, đóng gói tại Việt Nam nhưng cũng dán nhãn “Made in Viet Nam” rồi xuất khẩu đi nước thứ ba tiềm ẩn nguy cơ về gian lận xuất xứ. Mặc dù nhãn “Made in Viet Nam” không có giá trị thay thế cho chứng từ chứng nhận xuất xứ, nhưng việc ghi nhãn như vậy có thể gây hiểu nhầm hoặc nhận biết sai về hàng hóa của Việt Nam, dẫn đến việc nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp hạn chế hàng hóa của Việt Nam.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng yêu cầu cấp thiết cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định bộ tiêu chí để doanh nghiệp có thể căn cứ xác định chính xác hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tránh phát sinh tranh cãi, thậm chí thiệt hại không đáng có.

Nghị định nhằm quy định hàng hóa được coi là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khi đáp ứng một trong các tiêu chí như hàng hóa có xuất xứ thuần túy Việt Nam, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam; hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa....

Nghị định quy định công đoạn gia công, chế biến đơn giản sẽ không được coi là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Việc xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” hướng đến hoàn thiện hệ thống pháp lý về ghi nhãn hàng hóa, giúp xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam một cách minh bạch, có căn cứ, phù hợp pháp luật hiện hành.

Mặt khác, xây dựng bộ tiêu chí giúp doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước xác định được hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, làm cơ sở thực hiện xuất xứ, nguồn gốc trên nhãn, bao bì hàng hóa, quảng cáo hàng hóa, xây dựng thương hiệu; thiết lập cơ chế ngăn ngừa, phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng; bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

ANH NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/bo-cong-thuong-de-xuat-cach-xac-dinh-hang-hoa-san-xuat-tai-viet-nam-789888