Bộ Công Thương giữ vai trò dẫn dắt, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn EVFTA

Bộ Công Thương có vai trò then chốt trong triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp châu Âu mở rộng thị trường.

Vai trò then chốt giúp doanh nghiệp tận dụng EVFTA tốt hơn

Ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, mở ra chương mới trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Liên minh châu Âu. Đặc biệt, sau 5 năm đi vào thực thi, EVFTA đã mang lại những lợi ích rõ rệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo cam kết trong EVFTA, Hiệp định sẽ loại bỏ hầu hết các rào cản thuế quan, ngoại trừ một số mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan miễn thuế.

Về phía Liên minh châu Âu (EU), cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm: một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao...

Cùng đó, EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Về thuế xuất khẩu của Việt Nam, Việt Nam cam kết xóa bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất sang EU. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở EU sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh.

Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm truyền thống của châu Âu như thực phẩm, rượu vang và các sản phẩm khác như dược phẩm hay phụ tùng ô tô...

Tính đến quý II/2025, đã có đến 98,2% doanh nghiệp châu Âu biết đến EVFTA và một nửa trong số đó cho rằng hiệp định đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Ảnh: Minh Hoàng

Tính đến quý II/2025, đã có đến 98,2% doanh nghiệp châu Âu biết đến EVFTA và một nửa trong số đó cho rằng hiệp định đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Ảnh: Minh Hoàng

Với những cam kết thuế quan hấp dẫn, sau 5 năm thực thi và tận dụng EVFTA, có đến 98,2% doanh nghiệp châu Âu cho biết, họ đã biết đến EVFTA và gần một nửa trong số đó báo cáo rằng hiệp định mang lại lợi ích từ mức trung bình đến đáng kể.

Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaer cho biết, kết quả quan trọng nhất trong việc thực thi, tận dụng EVFTA của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đó chính là sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các công ty xác định việc giảm thuế quan là một lợi ích chính.

Tăng từ 29% trong quý II/2024 lên 61% trong quý II/2025. Điều này phù hợp với lộ trình xóa bỏ thuế quan theo từng giai đoạn của EVFTA và cho thấy việc tận dụng ngày càng nhiều các điều khoản ưu đãi của hiệp định” - Chủ tịch EuroCham nhận định.

Đáng chú ý, theo kết quả thống kê từ Bộ Công Thương, sau 5 năm Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, khối lượng thương mại giữa EU - Việt Nam đã tăng 40% kể từ năm 2020. Mặc dù chỉ 21% số doanh nghiệp được khảo sát có thể định lượng được lợi ích tài chính trực tiếp từ EVFTA, nhưng những doanh nghiệp có thể định lượng được lợi ích tài chính trực tiếp từ EVFTA cho biết lợi nhuận ròng của họ tăng trung bình 8,7%, với những doanh nghiệp báo cáo thành công nhất lên tới 25%.

Phân tích rõ hơn những kết quả đạt được sau 5 năm thực thi và tận dụng EVFTA, lãnh đạo EuroCham cho rằng, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) chính là át chủ bài của ngoại giao thương mại, một tài sản chiến lược không chỉ đảm bảo quyền tiếp cận ưu đãi thuế quan từ EVFTA, mà còn là nền tảng củng cố niềm tin với các đối tác quốc tế.

Theo khảo sát BCI quý II/2025 của EuroCham, có 56% doanh nghiệp tham gia khảo sát (chủ yếu là các tập đoàn quy mô lớn) cho biết họ nộp chứng từ C/O hàng tháng. Trong khi phần lớn doanh nghiệp nhận được C/O trong khoảng 3 - 5 ngày làm việc, vẫn còn 12% phản ánh tình trạng chậm trễ kéo dài hơn một tuần, có thể dẫn tới gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí hoạt động. Ở chiều ngược lại, 5% doanh nghiệp cho biết đã nhận được C/O trong vòng 24 giờ, một tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả đang được cải thiện ở một số khâu trong quy trình hải quan.

Kể từ ngày 5/5/2025, Bộ Công Thương đã chính thức tiếp quản quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), với định hướng thúc đẩy chuyển đổi số trong một số khâu then chốt. Động thái này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, vì hứa hẹn sẽ cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý và tích hợp hiệu quả hơn với hệ thống hải quan điện tử và chữ ký số.

Bộ Công Thương đóng vai trò then chốt trong việc triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA. Ảnh chụp trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Cao ủy Thương mại và An ninh kinh tế Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic

Bộ Công Thương đóng vai trò then chốt trong việc triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA. Ảnh chụp trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Cao ủy Thương mại và An ninh kinh tế Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic

Trả lời phỏng vấn Báo Công Thương về vai trò chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực thi, tận dụng tốt hơn EVFTA, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch EuroCham đánh giá: “Bộ Công Thương đóng vai trò then chốt trong việc triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp châu Âu tiếp cận, mở rộng thị trường tại Việt Nam, cũng như làm cầu nối xúc tiến thương mại giữa hai khu vực thông qua các chương trình hội chợ, đối thoại chính sách...”.

Giải pháp để tận dụng tốt hơn EVFTA

Cũng theo ông Nguyễn Hải Minh, mức độ tận dụng các ưu đãi thuế quan từ EVFTA hiện đang ở mức khá. Tuy nhiên, tiềm năng vẫn còn rất lớn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU ở các nhóm ngành có thế mạnh như nông sản, thực phẩm chế biến, dệt may, điện tử.

Vấn đề là nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn còn gặp khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ và quy chuẩn kỹ thuật của thị trường châu Âu.

Về phía doanh nghiệp châu Âu, họ đang dần điều chỉnh chuỗi cung ứng và đầu tư nhiều hơn vào sản xuất tại Việt Nam để tận dụng EVFTA, nhưng vẫn cần thêm sự hỗ trợ từ chính sách ổn định, minh bạch và thủ tục hành chính đơn giản hơn.

Để cải thiện việc tận dụng EVFTA, Phó Chủ tịch EuroCham khuyến nghị, cả phía Việt Nam và phía EU cần:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường truyền thông, đào tạo doanh nghiệp về các nội dung cam kết.

Thứ hai, hỗ trợ nâng cao năng lực kỹ thuật, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp nội địa.

Thứ ba, phối hợp giữa các cơ quan quản lý và hiệp hội ngành nghề để xây dựng mạng lưới thông tin, hỗ trợ tư vấn chuyên sâu và cập nhật các thay đổi chính sách kịp thời.

EuroCham khuyến nghị ba giải pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp thực thi tốt hơn EVFTA. Ảnh: Huy Dương

EuroCham khuyến nghị ba giải pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp thực thi tốt hơn EVFTA. Ảnh: Huy Dương

Tuy nhiên, cũng giống như các hoạt động kinh doanh nói chung tại Việt Nam, việc khai thác triệt để tiềm năng của EVFTA vẫn còn là một quá trình đang được tiến hành. Những vấn đề dai dẳng về định giá hải quan (được 37% số người được hỏi cho biết) đã nổi lên như một rào cản chính. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ghi nhận sự khác biệt thường xuyên trong việc phân loại sản phẩm giữa cơ quan hải quan Việt Nam và EU, dẫn đến tranh chấp về thuế suất và quy trình giải quyết phức tạp.

Những trở ngại khác bao gồm khuôn khổ pháp lý phức tạp hoặc không rõ ràng, cũng như khoảng cách giao tiếp với chính quyền địa phương - những thách thức phản ánh những vấn đề được nêu bật trong tâm lý kinh doanh nói chung.

Để giải quyết những rào cản này, các doanh nghiệp đã đề xuất một số giải pháp: đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu, tăng cường sử dụng các công cụ kỹ thuật số và nền tảng đăng ký điện tử, và cho phép tự chứng nhận quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, 28% số người được hỏi kêu gọi hướng dẫn và thực thi hải quan tốt hơn, trong khi 22% nhấn mạnh sự cần thiết phải xóa bỏ rộng rãi hơn các rào cản kỹ thuật thương mại.

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch EuroCham đánh giá: “Bộ Công Thương đóng vai trò then chốt trong việc triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp châu Âu tiếp cận, mở rộng thị trường tại Việt Nam, cũng như làm cầu nối xúc tiến thương mại giữa hai khu vực thông qua các chương trình hội chợ, đối thoại chính sách...”.

Hoàng Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-giu-vai-tro-dan-dat-giup-doanh-nghiep-tan-dung-tot-hon-evfta-411707.html