Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy điện và các doanh nghiệp thủy điện tại tỉnh

Chiều 27/6, Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý Nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực thủy điện và các doanh nghiệp thủy điện tại tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có lãnh đạo Sở Công thương; một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh.

Các đại biểu dự buổi làm việc.

Các đại biểu dự buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đoàn tập kiểm tra, đánh giá công tác QLNN trong lĩnh vực thủy điện và các doanh nghiệp thủy điện trên địa bàn tỉnh: Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng; quản lý vận hành và khai thác; quản lý chất lượng xây dựng và đảm bảo an toàn công trình, đáp ứng các yêu cầu về môi trường; việc lựa chọn nhà đầu tư; chuyển đổi đất, rừng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư; việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ đầu tư.

Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh có 33 dự án thủy điện được phê duyệt, với tổng công suất 383,938 MW, sản lượng điện năng theo thiết kế 1.408,271 triệu kWh. Trong đó, 22 nhà máy đang vận hành khai thác, tổng công suất lắp máy 224,138 MW; 7 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, tổng công suất lắp máy 121 MW; 1 dự án đã chấm dứt và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; 3 dự án thủy điện tiềm năng.

Thời gian qua, việc quản lý trong lĩnh vực thủy điện được tỉnh quan tâm thực hiện; các công trình thủy điện đang vận hành đều có quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Việc phối hợp giữa các nhà đầu tư và địa phương trong vận hành các nhà máy thủy điện mang lại những hiệu quả tích cực. Các nhà máy thủy điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 650 triệu kWh/năm; đóng góp một phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng thu ngân sách hàng năm cho địa phương; tạo việc làm ổn định cho trên 250 lao động, trong đó, 80% lao động là người địa phương. Bên cạnh đó, đóng góp xây dựng các công trình công ích, như: Giao thông nông thôn, trường học, lưới điện hạ thế; tham gia các hoạt động từ thiện trên địa bàn các huyện, xã khó khăn.

Đa số các dự án thủy điện sau khi được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, nhà đầu tư chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và chính quyền địa phương hoàn thiện các văn bản pháp lý, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các dự án sau khi hoàn thành không phải di dân tái định cư.

Thành viên của đoàn kiểm tra trao đổi về những kiến nghị của tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực thủy điện.

Thành viên của đoàn kiểm tra trao đổi về những kiến nghị của tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực thủy điện.

Đoàn kiểm tra đề nghị tỉnh nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế; tăng cường hơn nữa công tác QLNN đối với các công trình thủy điện trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm quy định của pháp luật. Chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện; chủ động nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn để vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; thực hiện tốt công tác chuyển đổi đất, rừng, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư; lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tiến độ, an toàn các công trình thủy điện, đáp ứng các yêu cầu về môi trường, tuân thủ các quy định của pháp luật. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo công tác QLNN trong lĩnh vực thủy điện và việc tuân thủ các quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gửi về Bộ Công thương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy đinh.

An Lê

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bo-cong-thuong-kiem-tra-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-trong-linh-vuc-thuy-dien-va-cac-doanh-nghiep-thuy--3170271.html