Bộ Công Thương: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm
Với 83,15 điểm, tăng 6,6% so với năm 2023, Bộ Công Thương năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu trong số các bộ về Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tiên phong triển khai dịch vụ công trực tuyến
Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, đến thời điểm này, Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đang cung cấp 267 dịch vụ công trực tuyến; trong đó có 168 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 99 dịch vụ công trực tuyến một phần, với hơn 54.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ nộp qua các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương năm 2024 hơn 2 triệu bộ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến bộ.
Cũng trong năm 2024, thông qua các kênh liên lạc khác nhau như điện thoại, email, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Tổng số lượt hỗ trợ khoảng 24.000 lượt.
Về thanh toán trực tuyến, theo quy định tại Thông tư số 36/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), năm 2024, Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử đã thu về cho ngân sách nhà nước 110.197.830.000 đồng với 1.845.419 bộ hồ sơ C/O được nộp phí.
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho biết: Với quan điểm và thực tiễn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đến nay, Bộ Công Thương đã đưa tổng cộng 129 dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Công Thương cũng là đơn vị đi đầu trong rà soát, tiến tới cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, tạo thuận lợi cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết thêm, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Bộ Công Thương hiện đã kết nối 16 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia. Theo đó, tổng số hồ sơ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2024 khoảng hơn 691.000 bộ hồ sơ.
Trong đó, với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, bộ đã trao đổi hơn 301.000 bộ hồ sơ với tất cả các nước trong khối ASEAN. Đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu AK, VK, bộ đã trao đổi gần 267.000 bộ hồ sơ và khai báo hóa chất gần 121.000 bộ hồ sơ.
Đảm bảo hệ thống ứng dụng phục vụ công tác quản lý
Hệ thống quản lý văn bản (iMOIT) đã trở thành công cụ, môi trường làm việc thường xuyên của cán bộ, công chức tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Tính đến nay, phạm vi triển khai iMOIT đạt gần 50 đơn vị với hơn 1.000 tài khoản. Hệ thống hiện đang lưu trữ và xử lý với hơn 2 triệu văn bản đi và đến và gần 15 triệu lượt xử lý văn bản trên toàn hệ thống.
Hệ thống thư điện tử Mail MOIT đảm bảo hoạt động cho hơn 3.134 tài khoản thư điện tử Bộ Công Thương. Trong năm 2024, tổng cộng đã có hơn 159.332 thư điện tử được gửi đi và hệ thống cũng nhận về 2.846.344 thư điện tử.
Đánh giá về hạ tầng công nghệ thông tin nội bộ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, năm 2024, Cục đã đảm bảo các hệ thống, ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành của bộ hoạt động ổn định, đạt hiệu quả tốt.
Ngoài việc đảm bảo các hệ thống, ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ Công Thương hoạt động ổn định, hiệu quả, năm qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hoàn thành việc kết nối Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, cán bộ, công chức có thể tiến hành tra cứu thông tin của người dân, người đại diện doanh nghiệp tham gia vào thủ tục hành chính của Bộ Công Thương thông qua Cổng Dịch vụ công của bộ.
Đáng chú ý, theo Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Cục đã hoàn thành chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) về các website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, sớm hơn một năm so với thời hạn đặt ra tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Ngoài ra, Cục đã hoàn thành việc xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp tục vận hành, kết nối nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung của Bộ Công Thương với nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung Quốc gia; hệ thống chia sẻ thông tin giám sát mã độc của Bộ Công Thương với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, góp phần đẩy mạnh việc phát triển chính phủ điện tử, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại Bộ Công Thương nói riêng và cả nước nói chung.
Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp
Một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ Công Thương nói chung và Cục Thương mai điện tử và Kinh tế số nói riêng năm 2025 là kiện toàn bộ máy, công tác cán bộ theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Với vai trò của mình, Cục Thương mai điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục hoàn thiện nâng cấp, cập nhật các dịch vụ công trực tuyến; duy trì và vận hành hệ thống thanh toán điện tử trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử và Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương; tiếp tục kết nối thêm các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện với Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó bao gồm việc kết nối hệ thống xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thị trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt; phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Tổng Cục Hải quan và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Công Thương để đảm bảo việc trao đổi thông tin về C/O mẫu D với Cơ chế một cửa ASEAN, mẫu AK, VK với Hàn Quốc được thông suốt.
Hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương; kết nối thêm các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp tục hoàn thiện các hệ thống nền tảng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính tại Bộ Công Thương.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; phối hợp với Bộ Công an triển khai công tác định danh cá nhân, tổ chức trên cổng dịch vụ công Bộ Công Thương và triển khai kế hoạch chuyển hạ tầng, dữ liệu về trung tâm dữ liệu quốc gia theo Nghị quyết 175/NQ-CP.
Trong năm 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng sẽ tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương và Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Công Thương phiên bản 3.0.