Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo lần 2 Nghị định về xuất xứ hàng hóa

Chiều 23/5, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức lấy ý kiến dự thảo lần 2 Nghị định về xuất xứ hàng hóa.

Ông Nguyễn Anh Sơn- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu. Ảnh: Bộ Công Thương

Ông Nguyễn Anh Sơn- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu. Ảnh: Bộ Công Thương

Ông Nguyễn Anh Sơn- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ngày 8 tháng 3 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Để thực thi chi tiết các quy định trong Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quy định về xuất xứ hàng hóa, kiểm tra, xác minh xuất xứ, trách nhiệm của các bộ, ban ngành, doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ra đời giúp Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện cho thương nhân vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa để góp phần thúc đẩy xuất khẩu, hàng hóa Việt Nam được hưởng thuế quan ưu đãi, qua đó mở rộng, thâm nhập vào thị trường quốc tế. Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 31/2018/NĐ-CP cho thấy các quy định của Nghị định đã góp phần tạo khung pháp lý trong việc quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa và tạo điều kiện để thương nhân đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành 47 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa để hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thực hiện quy tắc xuất xứ theo cam kết Việt Nam tham gia. Các văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa được nội luật hóa trên cơ sở tuân thủ quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cam kết về xuất xứ hàng hóa tại các Hiệp định thương mại tự do.

Quang cảnh hội thảo lấy ý kiến Nghị định về nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Bộ Công Thương

Quang cảnh hội thảo lấy ý kiến Nghị định về nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Bộ Công Thương

Từ ngày 1/1/2024, Việt Nam đã thực hiện việc cấp 13 mẫu C/O điện tử cho doanh nghiệp bao gồm: AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VK, AK, D, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), Việt Nam đang thực hiện việc truyền dữ liệu C/O điện tử nhanh, hiệu quả. Việc cấp C/O điện tử đã góp phần tích cực giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước.
Sau 7 năm thực hiện Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Vương quốc Anh (UKVFTA) với nhiều quy định, cam kết khác nhau đã phát sinh một số vấn đề mà Nghị định này cần điều chỉnh như quy trình, thủ tục áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chế tài xử lý gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc một số vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp C/O, hồ sơ thương nhân, lưu trữ hồ sơ...
Trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ, nhạy cảm, đặc biệt khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng đối với nhiều nước trên thế giới bao gồm cả Việt Nam.
Căng thẳng thương mại leo thang dẫn đến các hành vi gian lận thương mại; trong đó, gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp nhằm tránh các biện pháp trừng phạt mà các nước sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP là cần thiết, cấp bách phù hợp với tình hình mới.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP là cần thiết, trong đó hướng tới các mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa minh bạch, đầy đủ hơn, phù hợp hơn với Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương và các cam kết quốc tế.
Áp dụng hình thức chứng nhận xuất xứ theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thương nhân xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu quản lý rủi ro, cùng với chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận xuất xứ. Thiết lập cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Nghị định sẽ cập nhật những nội dung mới, làm cơ sở triển khai cho giai đoạn các năm tới, tạo cơ sở để doanh nghiệp, cơ quan quản lý xác định xuất xứ Việt Nam của hàng hóa xuất nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, phù hợp pháp luật hiện hành. Nghị định cũng hướng tới tăng cường công tác phòng chống gian lận xuất xứ, hạn chế tình trạng giả mạo xuất xứ; bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
"Ban soạn thảo, Tổ biên tập mong muốn nhận được các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Lãnh đạo Bộ xem xét để Chính phủ ban hành theo thủ tục trình tự rút gọn" - ông Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh.
Dự kiến dự thảo Nghị định sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 5/2025.
Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục thu thập ý kiến của các đơn vị bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng cùng toàn thể doanh nghiệp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại bền vững.

Uyên Hương/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-cong-thuong-lay-y-kien-du-thao-lan-2-nghi-dinh-ve-xuat-xu-hang-hoa/374627.html