Bộ Công Thương: Nâng cao năng lực quản lý và phát triển thương mại điện tử toàn quốc
Từ các vấn đề còn tồn tại trong thương mại điện tử, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nâng cao năng lực nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, lành mạnh của TMĐT.
Mới đây, tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo quản lý và phát triển thương mại điện tử toàn quốc nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử cho cán bộ quản lý, chuyên viên thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố toàn quốc.
Đảm bảo sự phát triển bền vững của thương mại điện tử
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Hiện tại, trên 73% dân số Việt Nam sử dụng Internet, trong số đó có tới 78% người dùng tham gia mua sắm trực tuyến.
Năm 2022, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng 20% và doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Đáng chú ý, thương mại điện tử Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô và dẫn đầu về tốc độ phát triển.
“Những thành tựu ấn tượng như trên là kết quả của một hệ thống chiến lược, chính sách dài hạn và nhất quán của Chính phủ nhằm phát triển thương mại điện tử từ đầu những năm 2010, là sự nỗ lực, đồng hành, phối hợp với Bộ Công Thương của tất cả các địa phương trên toàn quốc mà đặc biệt là của các Sở Công Thương, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và các lĩnh vực liên quan” - bà Oanh nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thời gian qua, Bộ Công Thương phối hợp cùng các Sở Công Thương tổ chức rất nhiều chương trình đào tạo, tập huấn về pháp luật thương mại điện tử, xây dựng hệ sinh thái xuất khẩu xuyên biên giới, kết nối giao thương thương mại điện tử, nâng cao năng lực tiếp cận thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, truyền thông về thương mại điện tử cho người tiêu dùng trên toàn quốc,...
Dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ nhưng bà Oanh thẳng thắn nhìn nhận, trong thực tiễn, thương mại điện tử đang bộc lộ nhiều vấn đề như: Tình trạng hàng gian, hàng giả, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử; tình trạng phát triển không đồng đều của thương mại điện tử giữa khu vực thành thị và nông thôn cũng như giữa các thành phố lớn của Việt Nam; tình trạng manh mún, thiếu tính liên kết về thương mại điện tử giữa các vùng; hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistics phục vụ thương mại điện tử,...
Vì vậy, theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các vấn đề nóng từ thực tiễn đòi hỏi các cơ quan quản lý phải liên tục nỗ lực, nâng cao năng lực quản lý và giải quyết vấn đề để đảm bảo sự phát triển bền vững, lành mạnh của thương mại điện tử trong thời gian tới.
Nhiều giải pháp hỗ trợ địa phương phát triển thương mại điện tử
Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Công ty Cổ phần khoa học Dữ Liệu và Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến: Chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số tại các địa phương; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử và kinh tế số; Giới thiệu nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng online, giải pháp thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương giữa các vùng miền và địa phương thông qua thương mại điện tử; Tổng hợp, phân tích số liệu thương mại điện tử từ các sàn giao dịch trực tuyến...
Pháp luật về thương mại điện tử được xem là công cụ pháp lý bảo vệ, định hướng xây dựng môi trường kinh doanh thương mại điện tử an toàn. Liên quan đến vấn đề cơ chế, chính sách phát triển thương mại điện tử của Việt Nam, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chia sẻ cụ thể những quy định về trách nhiệm của chủ sàn giao dịch thương mại điện tử, trách nhiệm với người tiêu dùng, vấn đề quản lý bán hàng trên mạng xã hội và quản lý thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài...
Với vai trò Thư ký Hội đồng thẩm định Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia (Chương trình 645), bà Trần Bích Ngọc cho biết, trong nội dung đăng ký Đề án thực hiện Chương trình của các địa phương, nội dung phát triển các giải pháp thương mại điện tử chiếm 68%; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử chiếm 17% là hai nội dung được đăng ký nhiều nhất. Theo đó, bà Trần Bích Ngọc gợi ý, các địa phương cân nhắc để tìm hiểu, đăng ký các nội dung còn lại liên quan đến tuyên truyền, phổ biến kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử; nâng cao năng lực quản lý các hoạt động thương mại điện tử; hợp tác quốc tế...
Cùng với đó, do thời gian thẩm định, phê duyệt các đề án được thực hiện một cách chặt chẽ, theo đúng quy trình, với các mốc thời gian rất rõ ràng, bà Trần Bích Ngọc đề xuất các địa phương nên xây dựng lộ trình thực hiện một cách chi tiết, cụ thể để đảm bảo hoàn thành đề án đúng hạn. Thư ký Hội đồng thẩm định Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia khẳng định, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp cùng các địa phương để các địa phương đăng ký và thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.
Tại hội thảo, phiên thảo luận với chủ đề “Giải pháp phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam” thu hút sự quan tâm, trao đổi của rất nhiều đại biểu. Những vướng mắc trong câu hỏi của từng địa phương đã được các diễn giả chia sẻ rất cụ thể, từ đó, gợi mở những giải pháp và tư vấn giúp địa phương tìm ra hướng đi phù hợp để phát triển thương mại điện tử thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định nhấn mạnh, phát triển thương mại điện tử sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và thực thi kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương và phù hợp với chủ trương của Nhà nước được phê duyệt trong Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định hi vọng, hội thảo chuyên đề về thương mại điện tử sẽ góp phần định hướng và giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển thương mại điện tử hiện nay tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Trong khuôn khổ một ngày làm việc, “Hội thảo quản lý và phát triển thương mại điện tử toàn quốc” đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ quản lý, chuyên viên thuộc Sở Công Thương để từ đó triển khai một cách hiệu quả Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, xây dựng môi trường thương mại điện tử tại địa phương lành mạnh, hướng tới xây dựng môi trường thương mại điện tử phát triển bền vững tại Việt Nam.