Bộ Công Thương nêu những điều khoản bất lợi cho khách hàng trong hợp đồng 'sở hữu kỳ nghỉ'

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công Thương vừa chỉ ra 6 nhóm điều khoản trong hợp đồng 'sở hữu kỳ nghỉ' không rõ ràng khiến phần thiệt thuộc về phía khách hàng nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng.

Hiện nay, trên thị trường ghi nhận rất nhiều quảng cáo, giới thiệu hấp dẫn về quyền lợi của khách hàng khi tham gia mô hình “sở hữu kỳ nghỉ", cụ thể: chi phí nghỉ dưỡng thấp hơn nhiều so với khách vãng lai, tiêu chuẩn 5 sao, có quyền chuyển nhượng hợp đồng trong từng tuần kỳ nghỉ, khách hàng có thể nghỉ dưỡng tại dự án của công ty hoặc các địa điểm khác trong và ngoài nước…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã xuất hiện nhiều trường hợp người dân tham gia hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ phản ánh quyền lợi của họ trong hợp đồng ký kết không giống với thông tin quảng cáo, giới thiệu và được tư vấn trước đó.

Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là một trong những mô hình đi đầu trên thế giới.

Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là một trong những mô hình đi đầu trên thế giới.

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và một số thông tin phản ánh về mô hình kinh doanh này cho đến nay tại Việt Nam, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chỉ ra một số vấn đề về sự thiếu rõ ràng trong các điều khoản về quyền lợi của bên mua trong một số hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để người dân nghiên cứu kỹ trước khi quyết định tham gia giao dịch.

Nhóm điều khoản liên quan đến nghĩa vụ tài chính của khách nghỉ dưỡng

Ngoài giá trị hợp đồng được thanh toán một lần tại thời điểm ký kết, khách nghỉ dưỡng sẽ có nghĩa vụ thanh toán cho công ty mỗi năm và hằng năm khoản phí thường niên theo quy định.

Ngoài ra, khách hàng còn có nghĩa vụ thanh toán phí thường niên được thu hàng năm, tính theo tỷ lệ tương ứng của khách nghỉ dưỡng trong tổng các chi phí hoạt động của khu nghỉ dưỡng và các chi phí cung cấp dịch vụ cho tất cả các khách nghỉ dưỡng của khu nghỉ dưỡng, cho dù đó là chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp.

Việc độc lập với khoản thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng, khách hàng có nghĩa vụ thanh toán phí duy trì hợp đồng hàng năm để phục vụ cho việc cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng của khách hàng. Doanh nghiệp, đơn vị quản lý có toàn quyền xác định mức phí này dựa trên danh mục các dịch vụ và chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng được cung cấp và sẽ thông báo cho khách hàng vào cuối năm liền trước năm sử dụng dịch vụ tiếp theo. Khách hàng có nghĩa vụ hoàn thành khoản phí này trước khi sử dụng dịch vụ nghỉ dưỡng.

Theo các điều khoản nêu trên, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chỉ rõ: “Bên cạnh khoản tiền lên đến vài trăm triệu đồng phải thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng, khách nghỉ dưỡng còn phải thanh toán chi phí từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi năm để sử dụng quyền nghỉ dưỡng trên thực tế. Trong khi đó, các khoản và những vấn đề có liên quan lại không được quy định cụ thể hợp đồng. Từ các quy định thiếu rõ ràng, các điều khoản hợp đồng trao cho các công ty quyền đưa ra những tính toán nhằm tối ưu hóa quyền lợi cho doanh nghiệp trong khi lại đẩy bất lợi lẫn rủi ro về phía khách hàng”.

Nhóm điều khoản liên quan đến chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã đưa ra những ví dụ cụ thể: “Trong suốt thời hạn hợp đồng, khách nghỉ dưỡng được cung cấp căn hộ đúng mô tả tại hợp đồng và sử dụng các dịch vụ nghỉ dưỡng do doanh nghiệp, đơn vị quản lý cung cấp”. Hay “khách nghỉ dưỡng được hưởng không khí nghỉ ngơi, giải trí theo tiêu chuẩn cao”...

Danh mục dịch vụ và chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng có thể không được cụ thể hóa trong hợp đồng trong khi hợp đồng được quảng cáo vô cùng hấp dẫn với các tiện nghi, chất lượng nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Chính vì thế khách nghỉ dưỡng thiếu cơ sở pháp lý để khiếu nại bên cung cấp dịch vụ trong trường hợp họ cho rằng chất lượng dịch vụ không bảo đảm, không tương xứng với số chi phí thường niên, phí duy trì phải chi trả hoặc không đúng với kỳ vọng về một địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng - mục đích xác lập hợp đồng ban đầu của bên mua.

Nhóm điều khoản liên quan đến khả năng đầu tư sinh lời

Khách hàng tham gia hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ được giới thiệu, hứa hẹn như một kênh đầu tư sinh lợi nhưng lại không có quy định trong hợp đồng, có thể dễ dàng chuyển nhượng một phần, toàn bộ hợp đồng cho bên thứ ba. Tuy nhiên, thông qua các điều khoản, công ty có thể gây khó dễ đối với khách nghỉ dưỡng trong việc thực hiện quyền này.

Bên cạnh đó, nếu khách nghỉ dưỡng thay đổi người sử dụng căn hộ nghỉ dưỡng trong tuần nghỉ dưỡng thì việc thay đổi này phải được sự chấp thuận của doanh nghiệp, đơn vị quản lý điều hành khu nghỉ dưỡng và khách nghỉ dưỡng phải chi trả phí cho sự thay đổi này theo mức phí sẽ được doanh nghiệp thông báo theo từng thời điểm.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho rằng: “Mức phí chuyển nhượng và điều kiện chuyển nhượng cụ thể chưa được quy định tại thời điểm ký kết hợp đồng mà thuộc quyền quyết định của doanh nghiệp tại từng thời điểm. Như vậy, tại thời điểm khách hàng phát sinh nhu cầu chuyển nhượng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tính toán một mức phí chuyển nhượng có lợi cho doanh nghiệp và đưa ra các điều kiện chuyển nhượng khó khăn nhằm mục đích hạn chế việc chuyển nhượng của khách hàng”.

Loại điều khoản liên quan đến địa điểm nghỉ dưỡng

Trong điều khoản này, khách nghỉ dưỡng được quyền nghỉ dưỡng tại dự án của công ty hoặc thực hiện quyền trao đổi để đi nghỉ dưỡng tại các địa điểm khác trong và ngoài nước của các đối tác trong mạng lưới liên kết với công ty.

Dạng điều khoản này, có thể khách không được cung cấp thông tin về danh sách các công ty liên kết cụ thể, đồng thời không được cam kết về các tiêu chí lựa chọn đối tác liên kết.

Cùng với đó, tại thời điểm ký kết hợp đồng, khách hàng không có cơ sở để đánh giá về hiệu quả thực hiện quyền trao đổi này trên thực tế. Đồng thời, do doanh nghiệp có toàn quyền lựa chọn đối tác liên kết và giao dịch trao đổi giữa đối tác liên kết và khách hàng là giao dịch riêng nên không có cơ sở ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi lựa chọn đối tác liên kết thiếu năng lực.

Nhóm điều khoản liên quan đến chủ thể cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng

Hợp đồng còn nêu doanh nghiệp có thể chuyển nhượng, chuyển giao các quyền và nghĩa vụ của mình cho bất kỳ bên thứ ba nào với điều kiện không làm thay đổi các điều khoản cơ bản. Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới khách hàng trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện việc chuyển nhượng, chuyển giao. Doanh nghiệp được giải phóng và miễn trừ toàn bộ các trách nhiệm và nghĩa vụ theo hoặc liên quan đến hợp đồng sau thời điểm chuyển nhượng, chuyển giao.

Trong khi đó, khách hàng muốn chuyển nhượng, chuyển giao hợp đồng phải thanh toán phí và phải được doanh nghiệp đồng ý trước bằng văn bản.

Nhóm điều khoản về chế tài xử lý vi phạm

Ngoài ra, hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ còn có điều khoản là cho phép doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng khi khách hàng có một trong các hành vi vi phạm về thanh toán không đúng hạn và đầy đủ các nghĩa vụ tài chính trong vòng 60 ngày kể từ ngày đến hạn; hoặc vi phạm nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Khách hàng cũng không được có hành vi vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phân tích, điều khoản minh họa nêu trên chỉ quy định quyền chấm dứt hợp đồng của doanh nghiệp, không quy định quyền chấm dứt và quyền hủy bỏ hợp đồng của khách nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, khách nghỉ dưỡng sẽ gặp bất lợi nếu các trường hợp nào được xác định là “Doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng” không được xác định rõ trong hợp đồng.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, việc xác định tính chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng cũng được trao cho doanh nghiệp. Như vậy, với nhóm điều khoản về chế tài xử lý vi phạm được minh họa trên, khách nghỉ dưỡng đứng trước rủi ro lớn trong việc bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng và mất khoản tiền đã thanh toán mặc dù thời hạn hợp đồng có thể còn dài.

Nhận thấy điều khoản hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ mang nhiều yếu tố phức tạp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương khuyến nghị: “Khoản tiền phải thanh toán một lần rất lớn, thời hạn hợp đồng lại dài, cơ chế chấm dứt hợp đồng cho khách nghỉ dưỡng có thể không thuận lợi cùng với nhiều hạn chế khác, người dân lưu ý nghiên cứu kỹ hợp đồng và đề nghị luật sư tư vấn, nếu có thể, để đánh giá toàn diện về quyền lợi, nghĩa vụ và rủi ro có thể xảy ra trước khi quyết định tham gia giao dịch”.

Thu Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/bo-cong-thuong-neu-nhung-dieu-khoan-bat-loi-cho-khach-hang-trong-hop-dong-apos-so-huu-ky-nghi-apos-1094446.html