Bộ Công Thương nói gì khi doanh nghiệp giảm mạnh chiết khấu xăng dầu cho đại lý?
Trước tình trạng doanh nghiệp đầu mối xăng dầu giảm mạnh chiết khấu cho đại lý, nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung, Bộ Công Thương cho rằng, đại lý phải 'chấp nhận quy luật của thị trường'.
Trong 2 tuần qua, thị trường xăng dầu thế giới có sự biến động do xung đột ở khu vực Trung Đông khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao, nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Ở trong nước, có những thương nhân đầu mối đã giảm mức chiết khấu xăng dầu cho đại lý xuống còn 500 đồng/lít, hoặc còn 100-200 đồng/lít. Nhưng theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến ngày 25/6/2025, do có những tín hiệu tích cực từ việc đàm phán ở khu vực Trung Đông, giá xăng dầu đã giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cũng đã giảm, do vậy chiết khấu của các doanh nghiệp đầu mối cũng đã tăng trở lại.

Các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải chấp nhận quy luật của thị trường.
Đến ngày 30/6, chiết khấu xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối như sau: Công ty Phúc Lâm: 2.600 đồng/lít; Tổng Công ty xăng dầu Quân đội: 1.800-2.300 đồng/lít (tùy từng vùng); Tổng công ty Dầu Việt Nam: 2.300-2.400 đồng/lít; Saigon Petro: xăng 1.600 đồng/lít, dầu 1.400 đồng/lít; Petrolimex: 1.700 – 1.900 đồng/lít (tùy mặt hàng).
Mặt khác theo Bộ Công Thương, trong hoạt động kinh doanh, mức chiết khấu là khoản doanh nghiệp bán giảm giá cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.
Mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu là mức giảm giá của doanh nghiệp bán xăng dầu cho doanh nghiệp mua xăng dầu so với giá bán lẻ xăng dầu. Mức chiết khấu được các doanh nghiệp bán xăng dầu điều chỉnh linh hoạt (phản ánh tính thị trường), phụ thuộc vào biến động của cung cầu, giá cả trên thị trường thế giới và trong nước.
Các quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam đều không quy định về mức chiết khấu. Nhà nước chỉ tạo môi trường, quản lý, điều hành và quy định mức giá trần giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp.
“Việc chiết khấu cao hay thấp phụ thuộc vào mối quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp, hợp đồng kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau”, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho hay.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu được ký hợp đồng làm đại lý cho 3 thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu, do đó, đại lý xăng dầu cũng có nhiều lựa chọn nguồn hàng hơn.
“Như vậy, các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi tham gia kinh doanh trên thị trường cần phải chấp nhận quy luật của thị trường, chịu sự điều tiết của thị trường (cung, cầu, giá cả), cần phải có kế hoạch kinh doanh của mình để ứng phó khi thị trường có biến động. Ví dụ, khi giá xăng dầu thế giới thấp, nguồn cung dồi dào, các doanh nghiệp đầu mối và phân phối có thể để mức chiết khấu cho các công ty bán lẻ ở mức cao; tuy nhiên, khi giá dầu thế giới tăng hoặc dự báo tăng cao, nguồn cung trở nên khan hiếm hơn thì các công ty bán lẻ có thể phải chấp nhận mức chiết khấu thấp, thậm chí có thể là chiết khấu âm nhưng vẫn phải nhập hàng để duy trì hoạt động kinh doanh, bù lại khi được hưởng mức chiết khấu cao”, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhấn mạnh.