Bộ Công Thương phân tích về phương án một giá điện
Từ 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4, 5 bậc, Bộ Công Thương tiếp tục chọn ra 2 phương án để đưa vào dự thảo lấy ý kiến.
Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014. Sau khi dự thảo được đưa ra, nhiều chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về dự thảo này.
Trước đó, trong báo cáo của mình, Bộ Công Thương cũng đưa ra phân tích các ưu điểm, nhược điểm của các phương án trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đã được đề xuất trong dự thảo.
Tù 5 phương án giảm xuống còn 2 phương án
Bộ Công Thương cho biết trên cơ sở đánh giá thực tế tiêu dùng điện của khách hàng sinh hoạt hiện nay, căn cứ nguyên tắc cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt, Bộ Công Thương có đề xuất 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4, 5 bậc.
Trên cơ sở tổng hợp các phương án trên, Bộ Công Thương cho biết đối với các phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc có ưu điểm là đơn giản, ít bậc, người dân dễ kiểm tra. Tuy nhiên, các bậc này có nhược điểm là các khách hàng sử dụng điện ở mức phổ biến dưới 200 kWh phải trả tiền điện tăng so với hiện nay từ 15.000 đồng đến 39.000 đồng.
Với phương án 1 giá, các khách hàng sử dụng điện ở mức 281 kWh/tháng trở lên sẽ được giảm tiền điện, còn phần lớn khách hàng (số lượng 18,7 triệu khách hàng, chiếm tỷ lệ 73,4%) sẽ phải chi trả thêm tiền điện hàng tháng. Cạnh đó, số tiền Ngân sách nhà nước hỗ trợ khách hàng nghèo, khách hàng chính sách xã hội tăng so với hiện hành từ 14 tỷ đến 220 tỷ đồng/năm...
Do đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị góp ý và trên cơ sở số liệu thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất hai phương án giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt để lấy ý kiến.
Phương án 1 là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện năm bậc, phương án 2 gồm cơ cấu biểu giá bán lẻ điện năm bậc và giá bán lẻ điện một giá. Khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt năm bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá.
Bộ Công Thương phân tích về hai phương án đề xuất trong dự thảo
Bộ Công Thương phân tích, ưu điểm của phương án 1 là đơn giản trong thực hiện, do giảm từ 6 bậc xuống 5 bậc; tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc; Nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn (701 kWh) nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn. Đồng thời, hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho khách hàng nghèo, khách hàng chính sách không thay đổi so với hiện hành khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Tiền điện của khoảng 20,1 triệu khách hàng sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng và 301-400 kWh/tháng được giữ nguyên hoặc giảm đến 12.000 đồng/khách hàng/tháng.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương phân tích nhược điểm của phương án này là tiền điện của khách hàng sinh hoạt có mức sử dụng điện trong khoảng từ 201-300 kWh/tháng (số khách hàng khoảng 3,6 triệu) và các khách hàng có mức sử dụng điện từ 401 kWh/tháng trở lên (khoảng 1,71 triệu khách hàng) phải trả tăng thêm khoảng từ 4.000-99.000 đồng/khách hàng/tháng để đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân không đổi và giá điện của các nhóm khách hàng khác được giữ nguyên hoặc giảm.
Đối với phương án 2, Bộ Công Thương phân tích ưu điểm là các khách hàng sinh hoạt sẽ tiếp tục sử dụng biểu giá bán lẻ điện bậc thang để đáp ứng các ưu điểm như phương án 5 bậc nêu trên, 4 bậc giá đầu tiên không thay đổi so với phương án 5 bậc nêu trên. Các khách hàng sử dụng điện có thể lựa chọn chuyển đổi sang giá 1 giá với mức giá bằng 145-155%. Khách hàng sử dụng điện hàng năm có quyền tự do lựa chọn, đăng ký việc mua điện với ngành điện.
Tuy nhiên, phương án này cũng có nhược điểm. Cụ thể, đối với kịch bản 2A, các khách hàng sử dụng điện không chuyển đổi và theo giá bậc thang có sản lượng tiêu thụ từ trên 701 kWh/tháng trở lên sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn do mức giá bậc 5 bằng 274% giá bán điện bình quân tương đương mức giá 5.109 đồng/kWh, cao hơn nhiều so biểu giá bậc 5 không có khách hàng chuyển 01 giá (3.123 đ/kWh tương ứng 168% mức giá bán điện bình quân).
Nhược điểm của kịch bản 2B, các khách hàng sử dụng điện theo giá bậc thang có sản lượng tiêu thụ từ trên 701 kWh/tháng trở lên sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn do mức giá bậc 5 bằng 185% mức giá bán điện bình quân tương đương mức giá 3.455 đồng/kWh, cao hơn so biểu giá bậc 5 không có khách hàng chuyển 01 giá (3.123 đồng/kWh tương ứng 168% mức giá bán điện bình quân).
88% khách hàng sử dụng điện dưới 300 kWh
Theo số liệu thống kê từ năm 2015 cho đến năm 2019 cho thấy nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân tăng hằng năm. Sản lượng bình quân từ mức 156 kWh/tháng/khách hàng năm 2015 đến năm 2019 đã tăng lên tới 186 kWh/tháng/khách hàng, tương đương khoảng 16%.
Cụ thể, qua xem xét số liệu năm 2018, 2019 cho thấy mối tương quan giữa khách hàng và sản lượng điện: Từ bậc 1 - 4 (dưới 300 kWh) khoảng 86% - 88% khách hàng tương ứng với từ 59% - 62% sản lượng, trong đó số khách hàng có sản lượng từ 101 đến 200 kWh chiếm tỷ trọng lớn nhất về tổng số khách hàng (37%) cũng như sản lượng điện tiêu thụ (31%), bậc 6 từ 401 kWh trở lên khoảng 7% - 8% khách hàng tương ứng với 27% - 29% sản lượng. Riêng với khách hàng có mức sản lượng từ 701 kWh trở lên chiếm 1,8 – 2,1% nhưng sản lượng tương ứng khoảng 12,4 – 13,7%.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/bo-cong-thuong-phan-tich-ve-phuong-an-mot-gia-dien-931301.html