Bộ Công Thương phối hợp cùng Hà Nội phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố
Ngày 17/2/2022, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã có buổi làm việc với Sở Công Thương Thành phố Hà Nội về tình hình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thủ đô.
Thời gian qua, hoạt động công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định đóng góp vào kết quả chung phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Công tác phát triển hạ tầng cụm công nghiệp được chỉ đạo quyết liệt nhằm nhanh chóng có mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong nước và đón làn sóng đầu tư nước ngoài vào sản xuất, kinh doanh; kịp thời có những giải pháp, đề xuất tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp có thể phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu, trình Bộ Công Thương, UBND Thành phố ban hành và tổ chức triển khai thực hiện một số chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, đạt được những kết quả nhất định.
Tiêu biểu, chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố được hình thành và đẩy mạnh, thông qua Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025 và Kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thành phố.
Năm 2010, trên địa bàn Thành phố có 53 sản phẩm của 48 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, đến hết năm 2020 Thành phố đã lựa chọn, công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực (tăng 64 sản phẩm, và 29 doanh nghiệp). Trong đó, có 12 doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, đây là những doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng như công nghệ vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, phần mềm.
Từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực được ưu tiên tham gia và hỗ trợ một phần kinh phí cho các hoạt động giao thương trong và ngoài nước. Đặc biệt, có 14 doanh nghiệp được UBND thành phố hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và lãi xuất vốn vay cho doanh nghiệp sản xuất với tổng số tiền là 50,5 tỷ đồng. 3 dự án sản xuất thử nghiệm được hỗ trợ kinh phí 22,5 tỷ đồng.
Về công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Thành phố đã phê duyệt Chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu là tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực của các ngành sản xuất CNHT trên địa bàn Hà Nội, tạo dựng và nâng cao năng lực hệ thống doanh nghiệp, góp phần hình thành hệ thống mạng lưới sản xuất, thúc đẩy quan hệ hợp tác liên kết của các doanh nghiệp được hỗ trợ với hệ thống các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp lắp ráp, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước cũng như từng bước xuất khẩu.
Bên cạnh phối hợp với Cục Công nghiệp xây dựng Đề án “Tổ chức Chương trình đào tạo tư vấn, hỗ trợ quy trình 5S3D cho các doanh nghiệp CNHT ngành cơ khí, điện - điện tử”, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Tập đoàn NC Network (Nhật Bản), ReedTradex (Thái Lan) hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí CNHT trên địa bàn thành phố tham gia Hội chợ chuyên ngành về CNHT, chế tạo tại Hà Nội 2017, 2018; Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo 2019 tại Hà Nội; Hội chợ CNHT Hà Nội năm 2020,…
Từ năm 2017 đến nay, Thành phố đã hỗ trợ 55 doanh nghiệp tham gia trực tiếp và gần 200 lượt doanh nghiệp tham gia gián tiếp bằng hình thức hỗ trợ quảng bá cho các doanh nghiệp tại 4 Hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại nước ngoài. 140 thỏa thuận, hợp đồng đã được ký kết với tổng giá trị ước tính khoảng 6,5 triệu USD.
Theo ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, năm 2022, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực và CNHT một cách hiệu quả. Đặc biệt, đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, quảng bá và tổ chức giao thương, hội thảo bên lề các hội chợ trong nước và nước ngoài, bên cạnh hội chợ CNHT của Thành phố được tổ chức thường niên. Tăng cường số hóa các cụm công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Xây dựng cổng thông tin điện tử (website) về CNHT để cập nhật thông tin chuyên ngành, thông tin về cơ chế, chính sách cũng như tạo sân chơi kết nối các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thành phố.
Ông Thắng hy vọng Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Hà Nội về kỹ thuật và nguồn lực để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp bền vững, phát triển hơn trong thời gian tới. Sở Công Thương kiến nghị Cục Công nghiệp, Cục Công Thương địa phương và các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công Thương phối hợp xây dựng Chương trình Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên thành phố Hà Nội, tạo điều kiện cho những đầu kéo này thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
“Với lợi thế về công nghệ và con người, Hà Nội sẵn sàng tiên phong đi trước, qua đó rút ra được bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác, hướng đến nhân rộng mô hình phát triển các ngành ưu nghiệp ưu tiên trên cả nước”, ông Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thành phố đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp thực hiện Chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025 đã được UBND thành phố phê duyệt, tập trung vào một số nội dung như: Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp CNHT; Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNHT; Tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực CNHT; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ... Đồng thời, xây dựng Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Công nghiệp đánh giá các văn bản, chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng thời gian qua đã được Hà Nội ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho hoạt động công nghiệp trên địa bàn.
Các nội dung trong những chương trình này khá đa dạng và mang tính chất bổ trợ lẫn nhau, bám sát tinh thần, định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị “Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025; Nghị quyết số 115/NQ-CN ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ;…
Các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đặt ra đối với ngành công nghiệp cũng được Hà Nội đặt ra đầy đủ và khá tham vọng.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu này, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho rằng cần có các giải pháp toàn diện để giải quyết bài toán gốc là nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp về khoa học công nghệ và tài chính, tăng cường hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Đồng thời, mong muốn Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tham mưu chính quyền Thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch dài hạn và bài bản hơn; mặt khác chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp với Cục Công nghiệp triển khai hiệu quả những hoạt động phát triển ngành công nghiệp.
Về phía mình, Cục Công nghiệp sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP, trong đó sẽ có những chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động công nghiệp, đơn cử như chính sách cấp bù lãi suất.
Đây sẽ là hành lang pháp lý để Hà Nội cũng như các địa phương trên cả nước có cơ sở xây dựng nhiều chương trình, đề án hơn trong thời gian tới.