Bộ Công Thương: Quyết tâm đạt bằng được mục tiêu phát triển công nghiệp
Bộ Công Thương đang cùng các bộ ngành tích cực hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp; triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ để phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao để thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Thông tin tại cuộc họp báo quý 1 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định dù khó khăn nhưng quyết tâm đạt bằng được mục tiêu tăng trưởng công nghiệp trong năm nay.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025, ngành công nghiệp phải đạt 9,3%, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phải đạt 2 con số.
“Chính phủ và ngành Công Thương chưa có ý định thay đổi mục tiêu tăng trưởng này,” ông Nguyễn Ngọc Thành nhấn mạnh.
Theo thống kê, một số ngành hành như: dệt may, da giày, điện tử, ngành gỗ… là những nhóm ngành có kim ngạch lớn, xuất khẩu vào Mỹ, mặc dù chính sách thuế mới có thể lên tới 46% đối với nhiều hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này sẽ tạo ra thách thức lớn, song theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Chính phủ và các bộ, ngành đang rất khẩn trương chuẩn bị nhằm đẩy mạnh đàm phán để giảm nhẹ nhất tác động.
"Trong trường hợp, chính sách thuế của Mỹ không có gì thay đổi so với hiện nay có thể phải xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại tự do với Mỹ," đại diện Cục Công nghiệp nói.
Cùng đó, Bộ Công Thương đang tính đến việc phối hợp với các bộ, ngành nhằm xây dựng tín dụng ưu đãi thấp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, cũng như kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng để tiêu thụ sản phẩm trong nước và những dự án trong lĩnh vực chế biến, chế tạo như Dự án chế biến nông sản, dự án về bauxit ở Tây Nguyên…
Liên quan tới giải pháp nhằm đảm bảo phát triển công nghiệp và giữ chân khối doanh nghiệp FDI, ông Nguyễn Ngọc Thành cho rằng quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và Chính phủ rất quan tâm nỗ lực đảm bảo yếu tố này, cũng như đối mới chính sách đối với đầu tư nước ngoài như ưu đãi đầu tư, hạn chế tình trạng lẩn tránh thuế…
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang cùng các bộ ngành tích cực hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp. Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phối hợp địa phương để thu hút nguồn lực vào phát triển công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư lớn.
Thông tin thêm về lĩnh vực công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhìn nhận, phát triển sản xuất công nghiệp gặp nhiều thách thức, do vậy cần phải nỗ lực, quyết tâm thực hiện cho bằng được.
Dẫn chứng thêm các cơ hội cho ngành phát triển, theo ông, việc thực hiện Nghị quyết 18 giúp giảm đáng kể đầu mối, thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp trong triển khai các thủ tục. Đặc biệt là tập trung phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đây là đòn bẩy cho phát triển của ngành công nghiệp thời gian tới. Thậm chí trong trường hợp Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam, nếu phân tích kỹ vẫn còn những cơ hội cho những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, sản phẩm đối tác không sản xuất được./.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù chưa có số liệu chính thức của tháng 3 và quý 1/2025, tuy nhiên dự báo sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý 1/2025 tiếp tục có sự cải thiện và duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở đà tăng trưởng đã có từ 02 tháng đầu năm nay.
Báo cáo mới nhất của S&P Global cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 3 khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam vào cuối quý 1/2025 đã có sự cải thiện. Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3 đạt mức trên ngưỡng 50 điểm, lần đầu tiên trong vòng 4 tháng trở lại đây (đạt 50,5 điểm, tăng nhẹ so với 49,2 điểm trong tháng 2).