Bộ Công thương giao chỉ tiêu kích cầu tiêu dùng năm 2025
Tại Chỉ thị số 08/CT-BCT vừa ban hành, Bộ Công thương giao chỉ tiêu phấn đấu cho các đơn vị, Hiệp hội ngành hàng nhằm đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 12% trong năm nay.

Bộ Công thương đã giao chỉ tiêu cho các đơn vị đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025.
Bộ Công thương vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025.
Theo đó, Bộ giao chỉ tiêu phấn đấu cho các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công thương các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng nhằm đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 12% theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ.
"Mặc dù nền kinh tế đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhưng so với mục tiêu Chính phủ giao tăng trưởng GDP trên 8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 12%, mức tăng trưởng của thị trường bán lẻ hàng hóa, dịch vụ các tháng đầu năm chưa đạt mức kỳ vọng", Chỉ thị nêu.
Để đạt được mục tiêu Chính phủ giao về tăng trưởng bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trong nước, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8%, Bộ Công thương yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phối hợp với Sở Công thương các địa phương, các doanh nghiệp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, kết hợp với việc triển khai các Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...
Hoạt động kết nối cung, cầu nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Cùng với đó, các đơn vị trên đẩy mạnh triển khai các đề án, chương trình mục tiêu về phát triển thương mại và thị trường trong nước đã được phê duyệt. Tổ chức hội nghị về giải pháp phát triển thị trường trong nước nhằm đánh giá tình hình, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tại các địa phương và doanh nghiệp.
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu (nhất là việc dự trữ lưu thông, thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, kế hoạch sản xuất đã đăng ký...); có kế hoạch bảo đảm đủ nguồn hàng, tổ chức tốt việc cung ứng xăng dầu liên tục.
Đối với Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương và vùng miền; kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch.
Lãnh đạo Bộ giao Cục Xuất nhập khẩu và Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, tiếp tục đa dạng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sang các thị trường nước ngoài; mở rộng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất để củng cố và phát triển thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống và các thị trường có FTA/CEPA với Việt Nam, tạo bước đột phá mở rộng thị phần tại các thị trường mới, có tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các chính sách bảo hộ của các nước lớn.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, kế hoạch sản xuất đã đăng ký và thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng .
Tiêu dùng nội địa hiện gặp nhiều khó khăn, Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) kết quả khảo sát khó khăn của doanh nghiệp trong quý I/2025 cho thấy, 50% doanh nghiệp gặp khó do nhu cầu tiêu dùng suy giảm, 37% doanh nghiệp thiếu các đơn hàng mới.
Đặc biệt, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thực sự khả quan, dù có 69,5% số doanh nghiệp có doanh thu bán hàng tăng, nhưng số giảm cũng chiếm khá cao, tới 30,4%.
HUBA cho biết, thời gian vừa qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, tuy nhiên, chỉ số tiêu dùng đã không đóng góp nhiều, đặc biệt là tiêu dùng nội địa có xu hướng chậm lại, mãi lực thị trường tăng chậm, thậm chí một số chợ truyền thống lâm cảnh đìu hiu, xu hướng suy giảm mạnh.